“Giờ vàng” cấp cứu hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
BHG - Những năm qua, bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Tại tỉnh ta, chỉ riêng ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận khoảng 50 ca cấp cứu đột quỵ. Với nguy cơ có thể tử vong, hoặc để lại di chứng nặng cho người bệnh, vì thế theo các y, bác sỹ khuyến cáo với các gia đình và người bệnh cần lưu ý “giờ vàng” để cấp cứu bệnh nhân là 3 tiếng và một số trường hợp có thể 6 tiếng sau khi có dấu hiệu đột quỵ.
Trong những ngày thời tiết giá rét như hiện nay, dễ xảy ra các trường hợp đột quỵ, đặc biệt với người cao tuổi. Ngày 15.12 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 bệnh nhân bị đột quỵ. Qua phối hợp chẩn đoán giữa các Khoa Cấp cứu và Khoa Chẩn đoán hình ảnh, 1 ca được chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết và 1 ca được chỉ định thực hiện can thiệp cơ học lấy huyết khối não. Các ca bệnh được đưa đến cấp cứu kịp thời, cùng với đó là việc các y, bác sỹ chẩn đoán, sử dụng đúng phương pháp điều trị nên đã giúp các bệnh nhân vượt qua nguy hiểm và bình phục rất tích cực.
Bệnh nhân Trần Văn Phúc, 82 tuổi, hồi phục tốt sau khi được cấp cứu kịp thời. |
Bệnh nhân Trần Văn Phúc, 82 tuổi (là 1 trong 2 bệnh nhân nêu trên), ở tổ 3, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang hiện đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu. Các bác sỹ cho biết, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện không nói được, liệt bên phải, lệch nhân trung... Sau khi chẩn đoán tình trạng, bệnh nhân được chỉ định can thiệp lấy huyết khối. Nhờ được cấp cứu sớm, vài ngày sau can thiệp, bệnh nhân Trần Văn Phúc đã tỉnh táo, giơ được chân, tay, nói được, đồng thời rất xúc động khi đã được các y, bác sỹ cấp cứu qua cơn nguy hiểm.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, trường hợp bệnh nhân Trần Văn Phúc do bị tắc nhánh mạch lớn trong não. Do đó, đã được chỉ định can thiệp lấy huyết khối kịp thời trong thời gian “giờ vàng”, điều này giúp cho bệnh nhân có sự hồi phục nhanh. Nếu không kịp thời cấp cứu, sẽ dẫn đến những nguy cơ bị liệt và các di chứng khác, gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Đối với trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Hoàng Đức Hải, 64 tuổi, trú tại tổ 11, thị trấn Vị Xuyên, là trường hợp được gia đình đưa đến cấp cứu kịp thời. Khi vào viện, bệnh nhân không nói được..., sau khi chẩn đoán, bệnh nhân Hải được điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Theo các y, bác sỹ, bệnh nhân Hải thuộc trường hợp chỉ bị tắc mạch máu ở các nhánh nhỏ nên được chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Và chỉ sau vài ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, có thể nói được và cử động chân tay tốt, khả năng hồi phục trở lại bình thường cao.
Trưởng khoa Cấp cứu, bác sỹ Nguyễn Xuân Sơn cho biết thêm, qua nghiên cứu khoa học, tỷ lệ hồi phục ở bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu sớm trong “giờ vàng” là cao. Còn lại, sự hồi phục tùy thuộc vào mức độ tai biến của bệnh nhân, khả năng sức khỏe và có các bệnh nền hay không. Từ đó, cùng với việc xử trí ban đầu của người nhà cho người đột quỵ đảm bảo, việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong “giờ vàng” có ý nghĩa quyết định cứu sống và hồi phục cho người đột quỵ.
Cũng theo các y, bác sỹ, trong điều kiện thời tiết thay đổi, khắc nghiệt, bệnh đột quỵ thường xảy ra ở các bệnh nhân có bệnh nền, cao huyết áp, sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp và các bệnh lý khác không đều; không kiểm soát được các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, trong vòng từ 15 – 20 phút có thể đánh giá được mức độ bệnh để có thể áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết hay phương pháp can thiệp lấy huyết khối.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong số ít bệnh viện ở các tỉnh miền núi phía Bắc được đầu tư máy chụp số xóa nền phục vụ nhiều kỹ thuật, trong đó có can thiệp mạch. Đồng thời, có đội ngũ y, bác sỹ đã được đào tạo về ứng dụng biện pháp can thiệp lấy huyết khối ở các bệnh nhân đột quỵ được chỉ định. Thời gian qua, đã có rất nhiều bệnh nhân đột quỵ được can thiệp bằng phương pháp lấy huyết khối thành công tại đây.
Bác sỹ Trần Minh Chương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là người trực tiếp thực hiện can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân Trần Văn Phúc 82 tuổi nêu trên cho biết, phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ và đưa bệnh nhân đến viện kịp thời là một trong những yếu tố quyết định cứu tính mạng, sức khỏe và sự hồi phục của người bệnh. Khuyến cáo các gia đình khi người nhà có các dấu hiệu đột quỵ không nên để bệnh nhân ở nhà quá lâu sẽ bỏ qua “giờ vàng” để cấp cứu cũng như cơ hội hồi phục nhanh sau điều trị.
Bài, ảnh: Phùng Nguyên
Ý kiến bạn đọc