Vượt khó “gieo chữ” trên miền đá Mèo Vạc

21:25, 04/11/2024

BHG - Hàng ngày, tại các điểm trường nằm ở lưng chừng núi đá của huyện Mèo Vạc, hình ảnh các thầy, cô giáo trèo đèo, lội suối, vượt qua những đoạn dốc đứng đầy đá sắc nhọn để đến trường đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp trồng người. Nhiều người gắn bó với Mèo Vạc như ngôi nhà thứ hai, chấp nhận xa gia đình, chịu đựng cái lạnh thấu xương của mùa Đông với một ước vọng giản dị: Giúp học sinh vùng cao có cơ hội được học tập, thay đổi cuộc sống thông qua con chữ.

Câu chuyện của cô giáo Ma Phương Thảo, giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Xín Cái với hơn 10 năm gắn bó tại các điểm trường xa xôi là một ví dụ điển hình. Cô Thảo chia sẻ: “Những ngày Đông giá rét, tôi vẫn đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp, thuyết phục họ hiểu tầm quan trọng của việc học”. Sự tận tâm ấy không chỉ giúp thay đổi nhận thức của phụ huynh mà còn góp phần giữ vững tỷ lệ học sinh đến trường trong điều kiện khó khăn nhất.

Lãnh đạo huyện kiểm tra công tác giáo dục tại điểm trường Kho Tấu, xã Pả Vi.
Lãnh đạo huyện kiểm tra công tác giáo dục tại điểm trường Kho Tấu, xã Pả Vi.

Ở Mèo Vạc, giáo viên không dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn là người mẹ, người cha thứ hai của học sinh. Thầy Ma Công Nghiệp, giáo viên điểm trường Dìn Phàn Sán, xã Sơn Vĩ đã cống hiến suốt 8 năm tại đây tâm sự: “Vào mùa mưa, đường đến điểm trường gần như bị chia cắt. Khi ấy, tôi phải đến từng nhà học sinh để hướng dẫn bài tập và động viên các em duy trì việc học”. Không ngại khó khăn, thầy Nghiệp và nhiều giáo viên khác luôn nỗ lực để các em không bị gián đoạn trong học tập, đồng thời duy trì động lực cho các em theo đuổi con đường tri thức.

Thách thức lớn nhất đối với các thầy, cô giáo không chỉ là con đường đến trường mà còn là tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Nhiều điểm trường vẫn tạm bợ; thiếu điện, nước sạch và đồ dùng học tập cũng làm gia tăng khó khăn trong việc duy trì chất lượng giáo dục. Hiện nay, tổng số phòng học tại huyện là 1.089 phòng, trong đó có 579 phòng kiên cố và 376 phòng cấp IV. Đặc biệt, còn 134 phòng học lắp ghép, nhiều phòng học xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm và bếp ăn cũng thiếu thốn trầm trọng. Huyện còn thiếu 77 phòng học, 65 phòng lưu trú giáo viên, 78 phòng lưu trú học sinh và 85 nhà vệ sinh. Thiếu đất và không gian cho các hoạt động ngoại khóa của học sinh cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Khó khăn nữa mà cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc phải đối mặt là thay đổi nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục. Nhiều gia đình suy nghĩ rằng, việc học không quan trọng bằng việc giúp gia đình làm nương rẫy, hoặc kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh cấp THCS bỏ học giữa chừng để làm nương. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ học sinh bỏ học tại huyện Mèo Vạc chiếm 0,69%, trong đó có 59 học sinh cấp tiểu học (chiếm 0,43%), 144 học sinh cấp THCS (chiếm 1,88%). Tình trạng này thường xảy ra vào mùa Đông và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Cô và trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học Xín Cái trong buổi học ngoài trời.
Cô và trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học Xín Cái trong buổi học ngoài trời.

Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của các thầy, cô giáo và các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, nhận thức của phụ huynh và học sinh đã dần thay đổi. Không chỉ dừng lại ở các hội nghị, hội thảo về giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương tại từng xã đã tích cực vào cuộc, chủ động đến từng gia đình để vận động, thuyết phục. Cán bộ xã và thôn, bản thường xuyên đến những gia đình có con em chưa đến trường hoặc có nguy cơ bỏ học để trò chuyện, giải thích trong việc thay đổi tương lai. Việc mời các gia đình có con đạt thành tích cao trong học tập chia sẻ kinh nghiệm tại các buổi họp thôn đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2024, huyện đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 50 phòng học, 26 phòng lưu trú học sinh, 85 nhà vệ sinh cùng các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, huyện phân bổ thêm 7,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp (tiểu dự án 1 - Dự án 5, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia) để mua sắm bổ sung các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Huyện cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa giáo dục, thu hút sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ của Hà Nội đã hỗ trợ khoảng 900 bộ bàn ghế (trong tình trạng tốt), giúp bổ sung thêm cơ sở vật chất cho các trường. Dự án Trường PTDT Bán trú Marie Curie – Mèo Vạc với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hứa hẹn sẽ mang lại môi trường học tập tốt hơn cho học sinh”.

Đội ngũ giáo viên cũng không ngừng được bồi dưỡng và nâng cao trình độ. Huyện đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; kết hợp với các đơn vị giáo dục từ các tỉnh, thành hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, đặc biệt là môn tiếng Anh. Trong năm học 2023 - 2024, huyện đã kết nối với Trường Marie Curie Hà Nội cử 12 giáo viên; nhóm “Những bước chân xanh” từ Thành phố Hồ Chí Minh cử 29 người và Sở GD&ĐT Lâm Đồng cử 16 thầy, cô hỗ trợ dạy Tiếng Anh trực tuyến cho toàn bộ học sinh lớp 3 và lớp 4. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập tại Mèo Vạc, giúp nâng tỷ lệ học sinh đạt chuẩn trong các môn học quan trọng lên mức đáng kể.

Những bước tiến mà Mèo Vạc đạt được trong việc nâng cao chất lượng giáo dục là minh chứng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân. Những câu chuyện về sự cống hiến của các thầy, cô giáo, sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh, học sinh và những cải thiện về cơ sở vật chất là những tín hiệu tích cực cho một tương lai tươi sáng hơn. Hành trình nâng cao chất lượng giáo dục ở Mèo Vạc là một hành trình đầy thách thức, nhưng cũng là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đoàn kết, quyết tâm và lòng yêu nghề của các thầy, cô giáo vùng cao. Những thay đổi này đang từng ngày làm nên sự khác biệt, mang lại niềm hy vọng mới cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nền giáo dục bền vững hơn trong tương lai.

Bài, ảnh: Minh Chuyên (Mèo Vạc)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Báo Đồng Nai tặng quà các em học sinh tại huyện Đồng Văn và Mèo Vạc
BHG - Qua sự kết nối của Báo Hà Giang, ngày 30 và 31.10, đoàn công tác của Báo Đồng Nai do đồng chí Đào Văn Tuấn, Tổng Biên tập làm trưởng đoàn đã đến tặng quà học sinh nghèo vượt khó tại huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đi cùng đoàn có đồng chí Nguyễn Bình Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang.
31/10/2024
“Đoàn kết hiệp đồng - Làm chủ vùng biển”: Kỳ đầu: Đổi mới toàn diện từ “Thi đua Quyết thắng”
BHG - Nỗ lực phấn đấu “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao”; bất luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo của Tổ quốc để góp phần xây dựng và phát triển đất nước. 49 năm qua (26.10.1975- 26.10.2024), cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Vùng 4 Hải quân đã và đang tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng - Khắc phục khó khăn - Đoàn kết hiệp đồng - Làm chủ vùng biển”.
31/10/2024
Bí thư chi bộ giúp dân ấm no theo lời Bác dặn
BHG - “Ấm no hôm nay nhờ công lớn của Bí thư chi bộ chúng tôi. Cả thôn nhà nào cũng biết ơn anh ấy, bởi không chỉ coi trọng mọi người, anh còn hết sức, hết lòng vì cuộc sống của bà con. Tấm gương dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, sợ khổ đi đầu phát triển kinh tế của anh là động lực để chúng tôi làm theo” - đó là những tâm sự chân thành của đồng bào người Dao trong thôn khi nói về Triệu Mềnh Kinh, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì).
30/10/2024
Hà Giang kêu gọi xã hội hoá trên 58 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai
BHG - Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang, sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa được trên 58 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu thiên tai do cơn bão số 3 gây ra.
30/10/2024