Hội nghị trực tuyến mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS
BHG - Sáng 29.11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tới các tỉnh, thành phố mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS (1.12.2024). Tham dự có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh dự hội nghị.
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh dự hội nghị. |
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2024, cả nước có gần 48.000 người tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế; gần 70.000 người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV PrEP và gần 183.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày 10.11 - 10.12 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chủ đề của tháng hành động năm nay nhằm tiếp tục phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử.
Tại tỉnh Hà Giang, tổng số người nhiễm HIV còn sống và đang quản lý là 727 người. Hiện 11 huyện, thành phố trong tỉnh đều triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng như duy trì mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng. Người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngày càng chủ động tham gia vào các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS; số lượng người tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc điều trị và dự phòng ngày càng cao, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tại cộng đồng.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai đa dạng mô hình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả. Đối với các địa phương cần căn cứ tình hình số người nhiễm HIV/AIDS để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm cao nhất đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Tin, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc