Hiệu quả tăng cường tiếng Việt cho học sinh Đồng Văn

11:00, 06/11/2024

BHG - Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là việc làm cần thiết, bởi đây là tiền đề giúp trẻ học tốt ở các bậc học tiếp theo. Vì vậy, ngành GD&ĐT huyện Đồng Văn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó, chất lượng học tập của trẻ em DTTS ngày càng được nâng cao, học sinh mạnh dạn, tự tin khi đến trường.

Năm học mới 2024 – 2025, toàn huyện Đồng Văn có hơn 2.700 học sinh vào lớp 1, trong đó 2.698 học sinh DTTS, chỉ có 18 học sinh là người dân tộc Kinh. Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Rà soát, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu và sách truyện bổ sung cho thư viện trường học. Lựa chọn, sử dụng tài liệu, học liệu phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của học sinh DTTS, giúp trẻ dễ dàng nhận biết, liên kết từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc câu trong tiếng Việt. Tích cực khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng mô hình, tạo không gian đọc cho học sinh. Tiếp tục duy trì tổ chức xây dựng các loại hình, không gian trường học, lớp học “An toàn - sáng tạo - hiệu quả” gắn với bản sắc văn hóa địa phương, trong đó chú trọng phát triển ngôn ngữ cho học sinh vùng DTTS.

Nhờ cải thiện kỹ năng nói, giao tiếp bằng tiếng Việt, học sinh xã Phố Cáo tự tin và thích đi học.
Nhờ cải thiện kỹ năng nói, giao tiếp bằng tiếng Việt, học sinh xã Phố Cáo tự tin và thích đi học.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn, Hà Đình Phong cho biết: “Để đảm bảo cho trẻ DTTS nói tốt tiếng Việt, ngay từ trong thời gian nghỉ Hè, Phòng GD&ĐT huyện đã khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên, các bậc cha, mẹ học sinh cần tích cực tham gia các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em; huy động các nguồn lực cùng tham gia dành cho trẻ em những điều kiện học tập, vui chơi tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, Phòng cũng thường xuyên bổ sung tài liệu, học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phù hợp cho nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS. Qua đó giúp các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói trong môi trường lớp học và tạo cho trẻ tâm thế sẵn sàng đi học, có một số nền nếp sinh hoạt, kỹ năng học tập bước đầu để làm quen với bạn bè, thầy, cô và tự tin trong học tập theo chương trình lớp 1”.

Trường Tiểu học Phố Cáo năm học này có gần 200 học sinh vào lớp 1, trong đó có 187 em là con em đồng bào DTTS. Thầy giáo Mua Mí Vừ, giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo là một trong những thầy được giao nhiệm vụ dạy tăng cường tiếng Việt cho các em. Để các em tiếp thu tốt nhất, thầy Vừ đã soạn bài và tổ chức dạy linh hoạt, bảo đảm thực hiện chương trình theo quy định. Thầy giáo Mua Mí Vừ cho biết: “Theo kế hoạch, để chuẩn bị tốt cho các em học sinh DTTS bước vào lớp 1 vững tin, nhà trường đã tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh và tổ chức hoạt động vui chơi, giao tiếp thực hành tiếng Việt trong các hoạt động học tập trên lớp cũng như các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở trường. Nhờ đó, sau 3 tháng vào học chính thức nhìn chung các em học sinh tiểu học đều đọc thông, viết thạo và theo kịp chương trình học”.

Cũng là một trong những địa phương có học sinh DTTS chiếm tỉ lệ lớn, Trường PTDT bán trú Tiểu học Sủng Là năm học 2024 – 2025 có 116 em vào lớp 1 và 100% đều là con em đồng bào DTTS. Chia sẻ về những khó khăn về “rào cản” ngôn ngữ do từ nhỏ trẻ ở nhà chỉ nói tiếng mẹ đẻ nên khi vào bậc tiểu học các em học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường đã chia làm 2 lớp, phân công giáo viên có kinh nghiệm thực hiện dạy và tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Sủng Là, Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Để tạo sự gần gũi, thân thiện, nhà trường đã lựa chọn những giáo viên người địa phương để dạy kèm các em học sinh. Đồng thời, khi dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS, giáo viên đã tích cực hướng dẫn trẻ làm quen với các từ, chữ tiếng Việt thông qua những bức tranh nhiều màu sắc, các trò chơi vận động tập thể và qua các bài hát, ca dao, tục ngữ. Đồng thời, bản thân giáo viên chúng tôi phải hiểu được ngôn ngữ của trẻ, thường xuyên gần gũi, trò chuyện theo nhóm để giúp trẻ lĩnh hội được tiếng Việt một cách tốt nhất”.

Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS đã khích lệ các em mạnh dạn, tự tin và thích đi học; cải thiện kỹ năng nói, giao tiếp bằng tiếng Việt, góp phần nâng tỷ lệ học sinh DTTS đạt yêu cầu của chương trình lớp 1 vào cuối năm học cũng như đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương.

Bài, ảnh: Phi Anh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam trao hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở sau bão lũ
BHG - Từ ngày 1 - 7.11, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân thuộc 4 huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần, Mèo Vạc xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống sau hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi). Tham dự có đại diện Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
05/11/2024
Thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ nhường nhà công vụ cho học sinh có thêm lớp học
BHG - Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều thầy, cô giáo nơi biên giới Sơn Vĩ (Mèo Vạc) đã nhường nhà công vụ giáo viên để nâng cấp thành phòng học. Đây không chỉ là việc làm giúp học sinh là con em đồng bào yên tâm bám lớp, bám trường mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp của thầy, cô nơi biên giới.
05/11/2024
Yên Minh đẩy lùi tảo hôn
BHG - Ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển KT – XH, huyện Yên Minh đang tập trung lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tạo đột phá trong đẩy lùi vấn nạn này.
04/11/2024
Hoàng Su Phì xoá điểm trường, dồn lớp ghép
BHG - Huyện Hoàng Su Phì có 24/24 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số nên điều kiện dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, ngành Giáo dục  huyện Hoàng Su Phì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tăng cường cơ sở vật chất trường học, xóa phòng học mượn, học tạm và lớp ghép, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
04/11/2024