Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
BHG - Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được xem là giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng NGUỒN nhân lực. Hoạt động GDNN tại tỉnh ta những năm qua có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, góp phần đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12 Trường THPT Mèo Vạc. |
Thực hiện Chiến lược phát triển GDNN, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, các cấp, ngành tăng cường triển khai các giải pháp, trong đó tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số hiện đại hóa cơ sở vật chất giáo dục, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về GDNN; gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Với chức năng quản lý nhà nước về GDNN, Sở Lao động, TB&XH chủ động tham mưu, triển khai các chương trình trọng tâm về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh truyền thông GDNN, tập trung nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng yếu thế, đặc thù. Từ 2021 đến nay, toàn tỉnh tổ chức trên 30 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực GDNN với trên 4.000 lượt người tham dự. Qua đó, hướng dẫn triển khai kịp thời các chính sách, chương trình về đào tạo nghề, khẳng định vai trò của GDNN trong giai đoạn hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có trên 300 nhà giáo tham gia vào công tác GDNN. Hệ thống GDNN gồm: 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 1 Trung tâm GDNN tư thục, 9 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên có đăng ký hoạt động GDNN. Trong đó, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh là cơ sở GDNN trọng điểm với 28 ngành đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp. Một số ngành nổi bật như: Công nghệ ô tô, vận hành nhà máy thủy điện, điện công nghiệp, thú y, may thời trang, kế toán doanh nghiệp… Có tổng diện tích trên 40.000 m2, khuôn viên trường được đầu tư, thiết bị nhà xưởng thực hành được bổ sung hàng năm, đảm bảo chất lượng phục vụ công tác đào tạo. Trường quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy, các giáo trình đào tạo được xây dựng, biên soạn theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bảo đảm khoa học, liên thông giữa GDNN với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đào tạo nghề may thời trang tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh. |
Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, các cơ sở GDNN chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở nhu cầu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, tăng thời gian thực hành, thực tập, nâng cao kỹ năng nghề. Đồng thời, tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh trong đào tạo liên thông. Thông qua phối hợp, giúp người học cải thiện trình độ, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo nên chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề có nhiều chuyển biến. Giai đoạn 2021 đến nay, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 45.697 người, đạt 118% kế hoạch. Theo đánh giá, trên 80% học sinh, sinh viên, học viên sau học nghề được tiếp cận với thị trường lao động phù hợp, được tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm tại địa phương. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ đào tạo và chủ trương xã hội hóa sự nghiệp GDNN từng bước tạo ra hiệu quả. Các đối tượng được hỗ trợ là học sinh, sinh viên thuộc diện nội trú, dân tộc thiểu số rất ít người, người khuyết tật, phụ nữ, lao động nông thôn, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ... Qua đó, tạo động lực tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động.
Giai đoạn 2021-2025, các hoạt động GDNN được triển khai lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu Quốc gia với tổng kinh phí trên 282 tỷ đồng. Đây là nguồn lực để triển khai các giải pháp nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung giáo trình và định mức kinh tế kỹ thuật nghề. Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thời gian tới công tác phát triển GDNN tiếp tục được tỉnh triển khai bám sát nhu cầu thị trường lao động, gắn kết với giải quyết việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc