Xóa tà đạo, xây bản làng bình yên trên vùng biên giới Hà Giang: Kỳ cuối: Xây dựng bản làng bình yên

22:28, 12/09/2024

BHG - Kiên trì, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” của cả hệ thống chính trị, những người theo tà đạo trên vùng biên giới Hà Giang đã nhận thức được cái sai và quay trở về phong tục truyền thống, từng bước xây đời sống mới no ấm.

Rũ bỏ ám ảnh từ những ngày theo tà đạo San sư khẻ tọ, gia đình anh Hạ Mí Pó, thôn Sả Nhè Lử, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc đang bắt đầu những ngày tháng mới với công việc nương rẫy quen thuộc cùng niềm tin vào những mùa vàng bội thu. Có sự chung tay của lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng và cán bộ xã, thôn, khoảnh đất rộng quanh nhà anh nhanh chóng được đào xới, cải tạo thành vườn trồng rau vụ Đông, trồng cây ăn quả đào, lê.

Trưởng thôn Tả Chà Lảng Thào Mí Sính (người đi đầu), xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc xuống hộ dân nắm bắt tâm tư sau khi bỏ tà đạo.
Trưởng thôn Tả Chà Lảng Thào Mí Sính (người đi đầu), xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc xuống với hộ dân bỏ tà đạo để nắm bắt tâm tư.

Nhâm nhi chén trà nóng trên tay, anh Pó phấn khởi khoe với chúng tôi ngôi nhà mới được huyện hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng trong năm 2023. Có nhà mới từ nay gia đình có thể ăn ngon ngủ yên, không còn no mưa bão, chỉ tập trung làm nương, tích trữ lương thực để có cuộc sống ấm no hơn. “Vì u mê, đi theo tà đạo cuộc sống ngày càng tụt hậu so với mọi người. Chính sự kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích của lực lượng Công an, Biên phòng và cán bộ các cấp đã giúp gia đình tôi và các hộ khác hiểu rõ bản chất của tà đạo, không nghe theo kẻ xấu nữa”.

Chị Mua Thị Chúa, thôn Nà Mu, xã Mậu Long, huyện Yên Minh bày tỏ: “Trước đây nghe theo kẻ xấu họ cứ bảo ốm đau là phải cầu nguyện mới khỏi, nhưng khi ốm đau, gia đình ở nhà cầu nguyện cũng không khỏi, vẫn phải đi bệnh viện. Được tuyên truyền, nhận ra cái sai nên gia đình tôi đã tự nguyện từ bỏ tà đạo; từ ngày quay lại phong tục tập quán người Mông, sức khỏe gia đình tôi vẫn bình thường, kinh tế ổn định hơn vì chồng tôi được cán bộ xã và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Yên Minh giới thiệu, giúp đỡ đi làm việc ở khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, mỗi tháng có thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Tôi ở nhà trồng lúa, ngô và nuôi thêm lợn, gà. Bây giờ vui lắm, gia đình và dòng họ sẽ không tin theo tà đạo nữa, chấp hành tốt các quy định của thôn và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm chú làm ăn, có tiền nuôi các con đi học”.

Niềm vui trở lại với gia đình ông Tráng Văn Bằng, thôn Nà Sang, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) khi bỏ tà đạo.
Niềm vui trở lại với gia đình ông Tráng Văn Bằng, thôn Nà Sang, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) khi bỏ tà đạo.

Theo chân các đồng chí Công an xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc đến thăm những hộ dân tộc Dao ở thôn Nà Sang, từ xa tiếng hát thắm thiết như đón chào khách. Trung tá Nguyễn Trọng Dược, Trưởng Công an xã giới thiệu, đó là tiếng hát Páo Dung của ông Tráng Văn Bằng đã gần 60 tuổi. Sau khi được tuyên truyền, vận động, ông Bằng đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo. Lúc rảnh, ông vẫn truyền dạy lại cho con cháu tiếng hát Páo Dung, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Lời bài hát nói lên tâm tư tình cảm ước mơ, nguyện vọng của những người dân lao động, đó chính là tiếng lòng của người Dao mà thông qua đó họ muốn gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau cái bắt tay thân tình, ông Bằng khẳng định: “Cuộc sống người Dao nơi đây đã bước sang ngày mới tươi sáng. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, thôn có đường bê tông rộng, có điện chiếu sáng ban đêm, mọi nhà đều được dùng điện lưới, trẻ con được đi học. Các hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hộ có nhà dột nát còn được hỗ trợ làm nhà mới. Bà con đã đoàn kết, bảo ban nhau cách chăn nuôi bò, lợn, gà… cuộc sống ngày một ấm no hơn”.

Gia đình anh Và Mí Vá, thôn Sảng Lủng, xã Lũng Hồ (Yên Minh) bỏ tà đạo tập trung phát triển nuôi bò.
Gia đình anh Và Mí Vá, thôn Sảng Lủng, xã Lũng Hồ (Yên Minh) bỏ tà đạo tập trung phát triển nuôi bò.

Những con đường bê tông vươn tới các thôn, xóm, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên các bản làng đã minh chứng rõ nét về những vùng quê bình yên, đời sống khởi sắc, củng cố niềm tin sắt son của người dân với Đảng.

Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang khẳng định: Công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội đã được lực lượng Công an toàn tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân với yêu cầu giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Đặc biệt là thực hiện Đề án số 23-ĐA/TU, ngày 22.6.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025, cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, đã tích cực, đi đầu trong công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động, làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất, không tin, không nghe theo kẻ xấu, từ bỏ tà đạo. Điều đáng mừng là sau khi từ bỏ tà đạo, bà con đã cởi bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và yên tâm lao động sản xuất, xây đời sống mới.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị triển khai công tác Đoàn, Đội trường học năm học 2024 - 2025
BHG - Sáng 12.9, Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đoàn, Đội trường học năm học 2023 - 2024; triển khai chương trình năm học 2024 – 2025. Dự hội nghị có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
12/09/2024
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ 5 tỷ đồng đợt 1 cho Hà Giang khắc phục thiệt hại do mưa lũ
BHG - Ngày 10.9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
11/09/2024
Mưa lũ gây thiệt hại khoảng 80,5 tỷ đồng, sạt lở gây chia cắt xã Nà Khương (Quang Bình)
BHG - Theo số liệu thống kê, rà soát, báo cáo của UBND tỉnh, thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tính đến trưa ngày 11.9 trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 80,5 tỷ đồng. Huyện Quang Bình là địa phương thiệt hại nặng nhất, ngoài các vùng có nguy cơ sạt lở rất cao, tuyến đường vào xã Nà Khương đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông, mọi phương tiện không thể đi lại được.
11/09/2024
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
BHG - Thực hiện Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9.9.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:
11/09/2024