Xóa tà đạo, xây bản làng bình yên trên vùng biên giới Hà Giang: Kỳ 1: Nhận diện, cảnh giác với hoạt động tà đạo
BHG - Do sự thiếu hiểu biết, cả tin, bị kẻ xấu lợi dụng nên nhiều hộ dân ở vùng sâu, biên giới của tỉnh tin theo tà đạo San sư khẻ tọ khiến cuộc sống ngày càng khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT). Nhưng với sự quyết liệt, kiên trì trong tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị đã giúp đồng bào hiểu rõ hệ lụy, từ bỏ tà đạo quay trở về tín ngưỡng truyền thống, từng bước xây bản làng bình yên.
Gần đây hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật San sư khẻ tọ mượn danh nghĩa tín ngưỡng dân tộc và giáo lý, giáo luật để hoạt động diễn biến phức tạp, mở rộng ra nhiều địa bàn và làm ảnh hưởng đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân.
Bí thư Chi bộ thôn Sảng Lủng Giàng Chủ Ly (thứ 3 bên trái), xã Lũng Hồ (Yên Minh) vận động người dân không theo tà đạo. |
Hà Giang có 19 dân tộc, trong đó, hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ghi nhận, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng, phong phú với hoạt động của 3 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, đạo Tin lành và các tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu, thờ anh hùng dân tộc. Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy, thì trên địa bàn tỉnh còn bị tác động, ảnh hưởng bởi hoạt động của một số tà đạo, đạo lạ như: San sư khẻ tọ, Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ, Pháp môn diệu âm, Hoàng Thiên Long, Pháp luân công. Năm 2018, toàn tỉnh có 919 hộ/5.315 khẩu tin theo tà đạo; đến tháng 8.2024, còn 271 hộ/1.140 khẩu. Trong số các tà đạo đang hoạt động, đạo San sư khẻ tọ có số lượng người tham gia đông nhất với 267 hộ/1.097 khẩu, hoạt động ở nhiều địa bàn vùng sâu, xa, biên giới... Để xâm nhập, các đối tượng sử dụng kết hợp các phương thức, thủ đoạn khác nhau; lợi dụng điều kiện KT – XH nhiều khó khăn và sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của đồng bào; lợi dụng các trang mạng xã hội, hoạt động thăm thân, du lịch, từ thiện xã hội để móc nối, dụ dỗ, lôi kéo người dân tin theo.
Người dân xã Sủng Thài (Yên Minh) làm nghi lễ dựng lại bàn thờ truyền thống thờ cúng tổ tiên. |
Hoạt động của các tà đạo chủ yếu mang màu sắc mê tín, xung đột với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống và văn hóa, phong tục, tập quán tuyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; với việc làm sai trái xúi giục người dân bỏ bàn thờ tổ tiên, vẽ ra ảo tưởng theo Chúa không làm cũng có ăn, hàng ngày chỉ cần ngồi cầu nguyện, chết sẽ được lên thiên đường, được Chúa che chở, ốm đau chỉ cần cúng là khỏi... Điều này đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, gây ra nhiều nguy cơ gây mất ANTT; ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Đơn cử như tại huyện Yên Minh, đạo San sư khẻ tọ đã thâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao ở các xã Mậu Long, Lũng Hồ, Sủng Thài, Sủng Cháng, Thắng Mố, Phú Lũng… Tính đến ngày 31.3.2024, các Tổ công tác, Đảng ủy, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, vận động 232 hộ/1.420 khẩu theo tà đạo San sư khẻ tọ ký cam kết từ bỏ tà đạo quay lại phong tục, tập quán truyền thống và 6 hộ/38 khẩu chuyển sang sinh hoạt đạo Tin lành Việt Nam Miền Bắc.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Nà Mu Lầu Mí Nhù, xã Mậu Long (Yên Minh), do điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế nên trong thôn có 16 hộ đã theo tà đạo, điều này ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong số 60 hộ của thôn có tới trên 40 hộ là hộ nghèo và cận nghèo.
Lãnh đạo xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) thăm hỏi gia đình ông Vàng Chá Pó, thôn Sèo Lủng Sán. |
Lũng Chinh là xã vùng cao núi đá cách trung tâm huyện Mèo Vạc 20 km. Toàn xã có 7 thôn, 866 hộ, gồm 6 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Hoa, Nùng, Mông, Dao, Cờ Lao), trong đó dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số toàn xã. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%. Tính đến đầu năm 2023, toàn xã có 55 hộ, 279 nhân khẩu đi theo tà đạo San sư khẻ tọ, nhiều nhất ở các thôn Sủng Lủ, Séo Lùng Sán. Xác định rõ tầm ảnh hưởng của tà đạo đến đời sống, trật tự an toàn xã hội nên cấp ủy, chính quyền xã luôn coi việc vận động các hộ theo tà đạo quay trở về phong tục, tập quán là nhiệm vụ trọng tâm.
Gia đình ông Vàng Chá Pó, dân tộc Mông, sinh năm 1968 ở thôn Sèo Lủng Sán, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) theo tà đạo San sư khẻ tọ; ông được xem là người đầu tiên và là Trưởng nhóm theo tà đạo San sư khẻ tọ của xã Lũng Chinh. Do ông Pó là trưởng dòng họ và là thầy cúng nên khi thấy ông theo tà đạo nhiều người trong dòng họ Vàng của thôn, ở xã Sủng Trà; các thôn Mao Seo Phìn, Cờ Lảng, xã Lũng Phìn (Đồng Văn) cũng theo ông tham gia tà đạo San sư khẻ tọ. Xác định để vận động ông từ bỏ tà đạo thì các hộ dân trong thôn, xã khác cũng sẽ nghe và làm theo; không quản ngại khó khăn, trực tiếp Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh Sùng Mí Nô và Trung tá Giàng Mí Pó, Đội phó Đội An ninh - Công an huyện Mèo Vạc đã nhiều lần không kể ngày đêm, nhận ông Pó là bố nuôi để có cơ hội tiếp xúc, đối thoại với ông nhằm nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và vận động ông quay lại phong tục truyền thống dân tộc Mông. “Mưa dầm thấm lâu”, qua các buổi tuyên truyền, vận động bằng cả lý lẽ và thực tiễn, đến tháng 11.2023 ông Pó cũng nhận thức được cái sai, tác hại của việc theo tà đạo và đúng như dự đoán khi ông Pó bỏ theo tà đạo San sư khẻ tọ, nhiều người trong dòng họ Vàng của thôn, ở các xã khác cũng đã theo ông từ bỏ tà đạo quay trở về phong tục truyền thống.
Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh Sùng Mí Nô, cho biết: “Do nhận thức của người dân còn hạn chế nên khi thấy một người trong dòng họ, nhất là người ấy có vai vế như trưởng dòng họ, trưởng thôn, thầy cúng theo tà đạo thì nhiều hộ khác cũng tin và nghe theo. Việc theo tà đạo làm người dân u mê, suốt ngày ngồi nghe cầu nguyện, lúc ốm đau giết mổ nhiều gia súc để cúng mong khỏi bệnh theo lời của Chúa mà không chú tâm đến việc tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nên cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám đồng bào. Nhưng khi được các cán bộ, đảng viên tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, đồng bào nhận thức được cái sai, tác hại đã từ bỏ và sẵn sàng hợp tác, tố cáo những kẻ xấu tuyên truyền, dụ dỗ đồng bào mình theo tà đạo cho cán bộ thôn, xã biết để ngăn chặn kịp thời”.
Nhận diện rõ bản chất, hệ lụy của việc theo tà đạo để có giải pháp căn cơ, cách thức tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào lạc lối từ bỏ tà đạo, trở về với phong tục, tập quán truyền thống là yếu tố tiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển toàn diện và bền vững tại địa phương.
----------------
Kỳ 2: Đồng lòng xóa bỏ tà đạo.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc