Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 2: “ 3 dám, 4 cùng” xóa hủ tục
BHG - Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây đời sống mới phồn vinh, hạnh phúc là hành trình nhiều gian nan khi hủ tục đã ăn sâu vào đời sống đồng bào bao đời nay. Nhưng từ chủ trương đúng cùng sự đồng thuận, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng những cá nhân dám “phá rào” xây đời sống mới là nền tảng quan trọng để nếp sống văn minh từng ngày hiện hữu khắp bản làng ở Hà Giang.
Nghị quyết vì dân
Bên cạnh sự đa dạng về sắc màu văn hóa, nhiều hủ tục đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế; một số phong tục truyền thống tốt đẹp bị lợi dụng, biến tướng gây hệ lụy xấu cho xã hội. Nhận diện được những vấn đề đó, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 27 thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang (Nghị quyết 27). Mục tiêu đến năm 2025, trên 75% gia đình nhận thức được tác hại, hệ lụy của hủ tục và tích cực tham gia bài trừ hủ tục trong gia đình, dòng họ. Đến năm 2030, các địa phương cơ bản xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Lễ cấp Sắc của người Dao thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) được cắt bỏ những nghi thức rườm rà nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc. |
Với quan điểm việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, Nghị quyết 27 được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo xóa bỏ hủ tục các cấp; quán triệt các văn bản liên quan đến từng chi bộ; tăng cường truyền thông; xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn Dương Ngọc Đức chia sẻ: “Từ Nghị quyết 27, huyện cô đọng lại các nội dung quan trọng, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu nhất thành “Nghị quyết 1 trang” phát cho các chi bộ, giao đến từng gia đình treo tại nhà để tự nhắc nhở các thành viên thực hiện. Mô hình này được nhiều địa phương học tập, làm theo”.
Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân cam kết thực hiện các nội dung xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi đến tuổi kết hôn; thành lập và duy trì hiệu quả nhiều Câu lạc bộ “Thanh niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Thanh niên tham gia xóa bỏ hủ tục”. Ngành Giáo dục biên soạn tài liệu xóa bỏ hủ tục đưa vào giảng dạy trong các trường học. Ngành Y tế kiên quyết xóa bỏ hủ tục sinh con tại nhà, vi phạm chính sách dân số...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp cho biết: “Là tổ chức chính trị - xã hội có đông hội viên là “nạn nhân” của hủ tục, Hội xác định Nghị quyết 27 chính là ánh sáng soi đường để các hội viên, phụ nữ thoát khỏi những hủ tục ràng buộc, giúp họ vươn lên làm chủ cuộc sống. Các cấp Hội xây dựng nhiều mô hình được hội viên, phụ nữ hưởng ứng thực hiện như: Câu lạc bộ “Cưới văn minh, tiết kiệm”, “Không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Phụ nữ 3 không”, “Hội nàng dâu xóa bỏ hủ tục”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ kinh nghiệm xóa bỏ hủ tục. |
Ông Long Đức Khương, dân tộc La Chí, thôn Díu Hạ, xã Bản Díu (Xín Mần) chia sẻ: “Cũng như nhiều dân tộc khác, người La Chí mổ nhiều gia súc, làm ma nhiều ngày cho người chết. Sau tang lễ là nợ nần, nghèo đói và ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe. Chúng tôi nhận thức truyền thống văn hóa tốt đẹp thì phải giữ gìn, còn hủ tục thì phải xóa bỏ, nhưng từ trước đến nay chỉ nói chung chung, chưa có giải pháp cụ thể và căn cứ thực hiện. Nay có Nghị quyết 27 giải quyết được tận gốc rễ vấn đề trên thì người dân tin tưởng và làm theo”.
Tinh thần “3 dám”
Dám tiên phong đi đầu, dám thay đổi và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng là tinh thần chung của không ít cán bộ, đảng viên, trưởng dòng họ ở các địa phương khi muốn “phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Tấm gương về tinh thần “3 dám” của đồng chí Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến đang được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Mông ở huyện Yên Minh.
Năm 2019, bố anh Sùng Mí Vư qua đời. Anh Vư quyết tâm đưa thi thể của bố vào áo quan trước khi cử hành tang lễ để đảm bảo sạch sẽ, văn minh, trang trọng. Tuy nhiên, quyền quyết định lại do người trưởng họ. Vì vậy, phòng trường hợp trưởng họ không đồng ý, anh đã nghĩ ra kế sách hay: “Khi bố ốm, tôi ghi âm nguyện vọng của bố mong muốn khi chết được đưa vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ. Khi họp bàn việc tổ chức tang lễ cho bố, tôi mở tệp ghi âm cho mọi người nghe, vì vậy mọi người đều nhất trí thực hiện theo nguyện vọng của bố tôi”, anh Vư chia sẻ.
Năm 2023, gia đình anh Ly Mí Phứ, thôn Thẩm Nu, xã Du Tiến (Yên Minh) có người chết. Anh Sùng Mí Vư đã vận động và được gia đình anh Phứ đồng ý đưa người chết vào áo quan. Nhưng trưởng dòng họ Ly (từ huyện Đồng Văn xuống) không đồng tình vì “dòng họ chưa có ai làm như vậy bao giờ, sợ “con ma” quấy nhiễu, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, đời sống, phát triển kinh tế của các gia đình trong họ”. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục không thành công, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến Sùng Mí Vư kiên quyết yêu cầu trưởng dòng họ Ly tự thuê xe (hoặc xã hỗ trợ kinh phí thuê xe) chở thi thể người chết về huyện Đồng Văn tổ chức tang lễ, không được tổ chức ở xã làm ảnh hưởng tới quy ước và hương ước của địa phương. Với sự quyết liệt đó, trưởng dòng họ Ly phải đồng ý cho gia đình anh Phứ đưa người chết vào áo quan. Từ đó đến nay, ở Du Tiến đã có 12/12 dòng họ của người Mông cam kết thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ và đám tang không tổ chức quá 48 giờ; gia đình nào không thực hiện, người thân, hàng xóm không đến dự.
Đồng chí Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến (Yên Minh) trao bản cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục cho người dân. |
Ở huyện Mèo Vạc, ông Sùng Sáy Nô, trưởng dòng họ Sùng (người Mông), thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc là người duy nhất dám “đối đầu” với cả dòng họ, quyết tâm xóa bỏ hủ tục. Năm 2023, anh trai mất, ông quyết định đưa thi thể anh vào áo quan trước khi cử hành tang lễ. Quyết định này bị cả dòng họ phản ứng gay gắt, ngay cả các con ông cũng kịch liệt phản đối. Ông Nô chia sẻ: “Khi tôi quyết định như vậy, cả dòng họ không ai chịu nghe theo. Ai cũng sợ thay đổi phong tục sẽ gây họa cho các gia đình. Thậm chí thầy cúng còn nói làm như vậy thì nửa năm sau tôi sẽ chết. Cả 2 người con của anh tôi cũng không đồng ý, nhưng tôi cương quyết làm, nếu ai không nghe theo thì một mình tôi sẽ làm lễ tang cho anh trai, mọi người chỉ cần đứng ngoài giúp phần đón, tiếp khách đến phúng viếng. Nếu xảy ra chuyện gì, mọi trách nhiệm tôi sẽ chịu. Đến nay, sau hơn một năm anh trai qua đời, cả gia đình tôi vẫn bình an, chẳng làm sao cả!”.
Phương châm “4 cùng”
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” với phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng tiếng nói với nhân dân là cách thức tuyên truyền, đưa “ý Đảng” vào “lòng dân” của anh Lê Văn Siểu, đảng viên, Trưởng thôn Vật Lậu, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh theo tinh thần Nghị quyết 27.
Trước đây, việc cưới, việc tang, nghi lễ của đồng bào Dao thôn Vật Lậu còn không ít phong tục, tập quán rườm rà, gây lãng phí, cản trở việc xây dựng nếp sống văn minh. Từ khi có Nghị quyết 27, nhờ những năm tháng cần mẫn “vác tù và hàng tổng”, thực hiện “4 cùng” của anh Siểu, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ thay bằng nếp sống mới. Minh chứng cho thấy, trong tín ngưỡng của người Dao, cấp Sắc là một nghi lễ đặc biệt quan trọng đối với nam giới. Người đàn ông dân tộc Dao từ đủ 13 tuổi trở lên đều phải thực hiện cấp Sắc mới được coi là trưởng thành. Các nghi thức, đồ cúng, bài cúng trong lễ cấp Sắc có chi phí từ 8 – 10 triệu đồng, gây tốn kém cho các hộ; nhất là những hộ nghèo, nhiều thanh niên đến tuổi trưởng thành không có điều kiện làm lễ cấp Sắc sẽ tự ti vì chưa được cộng đồng thừa nhận. Bởi vậy, anh Siểu đã vận động tổ chức lễ cấp Sắc tập thể cho những gia đình có nhu cầu, vừa giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn, sự trang trọng của nghi lễ vừa giảm chi phí cho các gia đình từ 8 – 10 triệu đồng xuống còn 1 - 2,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Thông, thôn Bảo An, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) vừa là Nghệ nhân ưu tú, thầy cúng, vừa là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Từ khi triển khai Nghị quyết 27, ông góp công lớn khi chủ động giúp nhân dân xóa bỏ một số hủ tục trong đời sống. Ở thị trấn Tam Sơn, dân tộc Tày, Dao chiếm đa số. Khi chưa thực hiện chủ trương xóa bỏ hủ tục, các gia đình nặng nề về lễ vật và bài cúng. Để thay đổi những hủ tục đó, ông Thông chủ động lồng ghép, giảm bớt các nghi lễ, nội dung rườm rà, không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung, ý nghĩa của nghi lễ; đồng thời thống nhất với các thầy cúng, thầy khèn, nghệ nhân khác và người dân trên địa bàn về thời gian cúng giải hạn của người Tày giảm từ 3 ngày xuống dưới 1 ngày và đồ lễ không quá 3 con lợn quay; đám tang của người Dao chỉ cần 1 thầy cúng và chuẩn bị 1 đầu lợn làm lễ. “Nếu gia đình nào không thực hiện theo quy định, chúng tôi kiên quyết không cúng lễ”, ông Thông nhấn mạnh.
Kiên trì, kiên quyết, không nóng vội, tạo lan tỏa trong cộng đồng, Nghị quyết 27 đã giải quyết được gốc rễ các vấn đề về những hệ lụy mà nhiều hủ tục ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; trở thành “kim chỉ nam” giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thay đổi tư duy, hành động… Nhưng để có thể xây dựng đời sống mới thực sự ấm no, hạnh phúc trong đời sống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ để lan tỏa ánh sáng văn minh.
-----------------
Kỳ cuối: Chan hòa ánh sáng văn minh
NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc