Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 1: Hủ tục ăn sâu, len lỏi trong đời sống
BHG - Đám tang không mổ nhiều gia súc, không nghi lễ rườm rà, không để quá 48 giờ, đưa người chết vào áo quan; đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao, không tảo hôn; lễ hội văn minh, trang trọng; đời sống văn hóa, tinh thần nâng cao... là thành quả cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang trong xóa bỏ hủ tục, quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no.
Hà Giang, nơi địa đầu cực Bắc đa sắc màu văn hóa đã tạo nên một “miền đá khát” giàu bản sắc nhưng còn nhiều hủ tục len lỏi, “bám rễ” sâu trong nhận thức đồng bào. Đan xen trong nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp có không ít phong tục bị biến tướng, sai lệch, trở thành hủ tục khiến đói nghèo, lạc hậu bủa vây.
Phong tục biến tướng
Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số (trên 33% dân số toàn tỉnh) và là địa phương có đồng bào Mông lớn nhất cả nước. Bên cạnh những phong tục truyền thống giàu bản sắc, trong đời sống đồng bào Mông còn nhiều hủ tục chưa được loại bỏ. Những hành vi làm biến tướng phong tục, tập quán dễ trở thành hành vi vi phạm pháp luật nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, thôn Chúng Trải, xã Phố Là (Đồng Văn). |
“Kéo vợ” là phong tục độc đáo, riêng có của người Mông. Đôi trai gái khi đã có tình cảm với nhau, mặc dù biết trước việc chàng trai sẽ “kéo” về làm vợ nhưng cô gái vẫn tỏ vẻ chống cự, miễn cưỡng không theo để đề cao giá trị phẩm chất của người phụ nữ Mông; nhưng sự việc diễn ra đầu năm 2022 tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) lại là câu chuyện buồn. Lợi dụng tục “kéo vợ”, G.M.C, sinh năm 2006, trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) cố tình lôi kéo một cô gái trẻ “bắt” về làm vợ. Mặc cho cô gái gào khóc, van xin, G.M.C vẫn quyết “bắt” về nhà. Chỉ đến khi cán bộ Công an xã Pả Vi có mặt tại hiện trường, việc làm này mới dừng lại.
Nếu như trường hợp của G.M.C ở Mèo Vạc không được ngăn chặn kịp thời, gia đình cô gái khởi kiện thì theo Bộ Luật hình sự 2015, người thực hiện hành vi “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể phạt tù 12 năm, tùy vào hành vi vi phạm. Hay những trường hợp tảo hôn khi trẻ em gái dưới 16 tuổi dễ trở thành hành vi giao cấu với trẻ em (từ 13 đến dưới 16 tuổi), có thể bị phạt tù từ 1 – 5 năm, thậm chí 15 năm.
Đối với đồng bào Dao, lễ cấp Sắc là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời người đàn ông bởi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng vươn lên, chứng minh bản thân người đàn ông Dao lúc đó đã trưởng thành, họ có đủ tư cách đứng ra gánh vác công việc trước dòng tộc, cộng đồng. Thế nên, nhiều thanh niên (cả nam và nữ) 15 – 16 tuổi và gia đình không chỉ ở dân tộc Dao mà các dân tộc thiểu số khác thường nghĩ rằng khi đã hoàn thành các nghi lễ (như cấp Sắc) hoặc được cộng đồng, dòng họ công nhận đủ sự trưởng thành (có làm các việc quan trọng trong gia đình hoặc đi làm, kiếm được tiền) thì có thể lấy vợ, lấy chồng, sinh con dù chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, nạn tảo hôn vẫn diễn ra ở nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Hủ tục len lỏi
Giữa nhịp sống yên bình từ khu vực thị trấn đến các bản làng vẫn len lỏi nhiều hủ tục trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Cộng đồng người Tày chiếm đa số ở thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ); ngoài những nét văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc vẫn còn nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang “đeo bám” qua bao thế hệ.
Ông Nguyễn Minh Thông, người Tày ở thôn Bảo An vừa là thầy cúng, vừa là người có uy tín ở cộng đồng dân cư nên những hủ tục trong đời sống văn hóa người Tày ông đều “nắm trong lòng bàn tay”. Ông Thông chia sẻ: “Theo quan niệm người Tày, ngoài việc cúng giải hạn thường niên thì hễ trong nhà có người ốm đau thì việc đầu tiên phải mời thầy cúng đến xem để làm lễ cúng. Đồ lễ truyền thống chỉ cần 1 đầu lợn, 1 con vịt và 3 con gà nhưng có nhà, mỗi anh em họ hàng mang tới gia chủ 1 con lợn quay để làm lễ; nhà đông anh em cúng tới 20 – 30 con lợn; thời gian cúng từ 2 – 3 ngày; công trả cho thầy cúng gần 4 triệu đồng, vừa mất thời gian, lãng phí, thậm chí tiền mất mà tật vẫn mang”.
Một đám tang của người Mông ở xã Pải Lủng (Mèo Vạc) mổ nhiều gia súc, gây lãng phí. |
Lễ cúng giải hạn, cúng cho người ốm có lẽ không nặng nề bằng lễ vật khi nhà có đám tang. Với người Tày, khi bố hoặc mẹ chết, mỗi con gái phải mang đến 1 con lợn, xôi, rượu, cành phướn để cúng lễ tỏ lòng biết ơn. Việc cúng lễ là văn hóa tốt đẹp nhưng phải mang nhiều lễ vật lại là một hủ tục. Có nhà đông con gái phải đến cả chục lễ, mỗi người con lại phải cúng một lần nên mất nhiều thời gian. Chưa kể đến việc thầy cúng không xem được ngày tốt mang đi chôn thì đám tang phải kéo dài vài ngày. “Không chỉ người Tày mà bà con dân tộc Dao trên địa bàn khi tổ chức đám tang cũng phải cần tới 7 thầy cúng, mỗi thầy cúng làm lễ gia chủ phải chuẩn bị một đầu lợn nên một đám tang phải mổ ít nhất 7 con lợn phục vụ riêng phần lễ cúng nên nhiều hộ khó khăn sau khi làm đám tang sẽ rơi vào cảnh lao đao” - ông Thông cho biết thêm.
Nói đến giết mổ nhiều gia súc trong đám tang không thể không nói đến phong tục cố hữu của đồng bào Mông bao đời nay. Ở ngay tổ 1, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc), gia đình ông Vừ Mí Chơ mới đây khi mẹ chết vẫn cương quyết làm theo phong tục truyền thống. Câu chuyện mổ nhiều bò, lợn, làm đám tang dài ngày; không cho người chết vào áo quan trước khi tổ chức lễ tang mà đặt trên cáng gỗ treo xác giữa nhà; tục bón cơm cho người chết và làm ma nhiều ngày vẫn diễn ra. Điều đáng nói, do không cho vào áo quan nên khi làm ma nhiều ngày mùi tử thi nồng nặc gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Theo phong tục, anh em họ hàng ngoài số gia súc mang trả lễ còn dắt theo bò để giúp cho gia chủ. Người Mông quan niệm, gia súc mang đến giúp phải được làm lễ và giết thịt nên đám tang của mẹ ông Vừ Mí Chơ mổ tới gần 10 con bò và nhiều con lợn. Dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng vì trả món “nợ đồng lần” nên chỉ sau đám tang, cuộc sống gia đình ông Chơ rơi vào túng quẫn.
Trong đời sống đồng bào Mông, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không phải là chuyện hiếm thấy. Với suy nghĩ anh em trong dòng họ, gia đình lấy nhau sẽ không mất đi của cải khiến không ít cặp vợ chồng lại là anh em trong dòng tộc. Thay vì đang cùng bạn bè đồng trang lứa theo đuổi con đường học tập thì Thò Thị Lía, thôn Há Chế, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã là mẹ của hai con nhỏ. Ở cái tuổi 16 căng tràn sức xuân nhưng trông Lía già nua khi ngày ngày phải miệt mài bám đá trồng ngô trên nương, chịu cảnh bữa đói, bữa no lo cho gia đình. “Lời ru buồn” dai dẳng khi chồng Lía cũng chỉ ở tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” và lại là con của bác ruột. Do hôn nhân cận huyết thống nên hai đứa trẻ sinh ra còi cọc, ốm đau khiến tình cảnh gia đình ngày càng nheo nhóc. Giấu nỗi buồn sau vạt áo thẫm mồ hôi, Lía tâm sự: “Được bố mẹ bảo lấy nên cứ lấy thôi, lúc đó em chẳng biết gì. Lấy về thì ở với nhau rồi đẻ con thôi, con nó mà bị ốm thì mình lại làm lễ cúng cho nó”.
Hệ lụy dai dẳng
Từ những phong tục bị biến tướng đến các hủ tục len lỏi trong đời sống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang như “liều thuốc độc” khiến cuộc sống người dân rơi vào bi thương, éo le không lường trước.
Đói nghèo, thiếu hiểu biết, cả tin, bị kẻ xấu lợi dụng nên nhiều hộ dân ở huyện Yên Minh bị lôi kéo theo tà đạo “San sư khẻ tọ”. Xã Lũng Hồ được xem như “vùng lõm” của huyện Yên Minh khi nơi đây diện tích chủ yếu núi đá khiến cuộc sống người dân nhiều năm luẩn quẩn trong đói nghèo. Toàn xã hiện có 23 thôn, trên 100 hộ nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới 86% và đồng bào Mông chiếm gần 90% dân số toàn xã. Cuộc sống khó khăn nên trong xã có 39 hộ/213 nhân khẩu theo tà đạo “San sư khẻ tọ” và bỏ phong tục thờ cúng tổ tiên.
Gia đình ông Giàng Chủ Ly, dân tộc Mông đã bám đá nhiều thế hệ sinh sống ở Lũng Hồ. Ông được coi là người đầu tiên và là trưởng nhóm theo tà đạo “San sư khẻ tọ” của xã. Theo phong tục người Mông, trưởng dòng họ là người có tiếng nói và ra quyết định khi các hộ trong dòng họ có công to việc lớn. Do vừa là trưởng dòng họ vừa là Bí thư Chi bộ thôn Sảng Lủng nên khi thấy ông theo tà đạo, nhiều người trong dòng họ Giàng của thôn và các xã giáp ranh cũng tham gia theo ông. Từ khi theo tà đạo, cuộc sống đã khó lại càng khổ hơn. Ông Ly tâm sự: “Việc theo tà đạo làm người dân u mê, suốt ngày ngồi nghe cầu nguyện, lúc ốm đau không đi khám bệnh mà giết mổ nhiều gia súc để cầu nguyện mong khỏi bệnh theo lời của Chúa; không chú tâm đến việc tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám đồng bào”.
Mỗi gia đình người Mông thường coi trọng việc phải có con trai để “nối dõi tông đường” dẫn đến sinh đông con không phải chuyện xa lạ. Trong căn nhà nhỏ nơi lưng chừng núi ở thôn Quán Dín Ngài, xã Xín Mần (Xín Mần) của gia đình chị Vàng Thị Vẽ, đứa con gái út mới chập chững biết đi đang chơi trước cửa, mặt lấm lem bùn đất. Đáng nói, đây là con thứ 7, trước cháu là 6 chị gái, mỗi đứa cách nhau chưa đầy 2 tuổi. Năm nay mới ở cái tuổi ngoài 40 nhưng phải vất vả mưu sinh khiến chị Vẽ già nua, sự khắc khổ hiện rõ trên nét mặt. Chị Vẽ tâm sự: “Ở đây hầu hết phụ nữ đều lấy chồng sớm. Việc sinh con trai gần như là nghĩa vụ của phụ nữ Mông. Phong tục bao đời nay là thế, nếu không có con trai thì không được thờ cúng bố mẹ khi chết nên không thể không theo. Biết đẻ nhiều sẽ khổ nhưng việc phải có con trai để nối dõi, tránh mất của cải, làm trụ cột gánh vác việc gia đình đã là nếp sống của đồng bào Mông từ lâu đời”.
Ở nơi ngẩng mặt thấy núi, cúi mặt thấy vực sâu, thời tiết khắc nghiệt như Xín Mần thì cuộc sống của đồng bào chủ yếu trông chờ vào cây ngô trên nương khô cằn. Do nhà đông con, ngô có vụ được vụ mất nên gia đình chị Vẽ bao năm nay vẫn sống trong nghèo túng. Chưa kể những lúc ốm đau, con cái nheo nhóc thì cuộc sống no đủ mãi chỉ là ước mơ. Cả 7 đứa con nhà chị Vẽ hầu hết bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; việc học hành lúc có, lúc không.
Trong đời sống đồng bào Mông, Tày, Dao, Nùng, chuyện ăn uống linh đình, giết mổ nhiều gia súc, thủ tục cúng lễ rườm rà, thách cưới cao… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình mất an ninh trật tự, gây lãng phí, đói nghèo. Nhận diện rõ thực trạng đó, ngày 1.5.2022, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết 27 thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là Nghị quyết “ý Đảng - lòng dân”, làm cơ sở để đồng bào các dân tộc “phá rào” xóa bỏ hủ tục.
---------------
Kỳ 2: “3 dám, 4 cùng” xóa hủ tục
NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc