Thúc đẩy phong trào học tập suốt đời
BHG - Trong những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập đã có sự chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó, góp phần tạo cơ hội thuận lợi cho người dân trong việc học tập nâng cao trình độ, đưa sự nghiệp giáo dục của địa phương ngày càng khởi sắc.
Để phong trào KHKT đi vào nền nếp và ngày càng phát triển, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động xây dựng tổ chức hội theo hướng vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng, hướng mạnh về cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập. Lồng ghép một số chuyên đề về công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Các cấp Hội Khuyến học phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030 gắn với mục tiêu phát triển KT-XH, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các khu dân cư, thôn, bản, tổ dân phố…
Hội Khuyến học phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trung Nghĩa |
Đến nay toàn tỉnh có 4.038 hội, chi hội và Ban khuyến học; 337.294 hội viên, tăng 0,64% so với năm 2023, trong đó đảng viên là hội viên là 29.245 người; 138.068 gia đình học tập, đạt 73,58%; 1.564 dòng họ học tập, đạt 69,1%; 1.681 cộng đồng học tập, đạt 81,2%; 818 đơn vị học tập, đạt 98% số đơn vị trong toàn tỉnh; 108.200 công dân đăng ký công dân học tập ước đạt 26% số lao động, công nhân, viên chức.
Công tác vận động, xây dựng Quỹ khuyến học các cấp được thực hiện đạt hiệu quả cao, toàn tỉnh vận động được trên 8,5 tỷ đồng, khen, thưởng cho trên 1.400 học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Các hoạt động hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, năng khiếu, động viên giáo viên giỏi được duy trì... góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cùng với đó, các trường học trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực giúp học sinh khó khăn có cơ hội được đến trường. Trường THCS Minh Khai (thành phố Hà Giang) một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác KHKT, hàng năm nhà trường đều tuyên dương, khen thưởng giáo viên giỏi và các em học sinh có thành tích cao trong học tập, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ học sinh trong diện chính sách... những việc làm đó đã đóng góp rất tích cực, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và công tác KHKT ngày càng phát triển. Ngoài ra, nhà trường duy trì nắm bắt tình hình học tập của các em, làm tốt quản lý học sinh nhằm sớm phát hiện những em có tư tưởng bỏ học, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, từ đó có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KHKT của tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng mô hình KHKT, xây dựng xã hội học tập còn ít; việc vận động, quyên góp xây dựng Quỹ khuyến học còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động khuyến học ở một số Hội Khuyến học xã, phường, chi hội khuyến học cơ quan, trường học, tổ dân phố vẫn còn lúng túng, chưa xác định được nhiệm vụ chủ yếu về KHKT, xây dựng xã hội học tập.
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KHKT và phong trào học tập suốt đời, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tiếp tục tích cực nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, sâu rộng trong nhân dân về công tác KHKT. Xây dựng và nhân rộng các mô hình học tập điển hình, hiệu quả. Phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động học tập toàn dân, toàn diện đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân và học sinh. Từ đó, góp phần tạo cơ hội và điều kiện cho người dân trong việc học tập nâng cao trình độ, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc