Thành phố Hà Giang nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo
BHG - Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố, đặc biệt là sự ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục – đào tạo (GD-ĐT), cùng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, chất lượng GD-ĐT của thành phố Hà Giang không ngừng nâng cao, vươn lên là điểm sáng của tỉnh về chất lượng GD-ĐT.
Hiện, trên địa bàn thành phố đã có 33/34 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 97,1% kế hoạch. Năm học 2024 – 2025, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,9%; trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 100% so với tổng số trẻ trong độ tuổi; tỷ lệ duy trì sỹ số hàng ngày đạt 99,6%. Cùng với đó, để nâng cao chất lượng GD-ĐT, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ngành Giáo dục thành phố đã duy trì tốt mô hình trường chất lượng cao THCS Lê Quý Đôn, mô hình lớp chất lượng cao tại Trường Tiểu học Quang Trung, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của thành phố; 100% trường tiểu học, THCS thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy; đưa văn hóa truyền thống, kỹ năng sống vào giảng dạy; công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được tăng cường và phát triển; hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng phát huy hiệu quả.
Học sinh Trường Tiểu học xã Phương Độ hân hoan trong ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Văn Nghị |
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Chúng Thị Chiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, chất lượng GD-ĐT của thành phố vẫn bộc lộ những hạn chế, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện các nội dung, công việc theo chỉ đạo của tỉnh và thành phố về công tác GD-ĐT chưa sâu sát. Chất lượng GD-ĐT chưa đồng đều giữa các trường, kể cả các trường trong nội thành; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; việc huy động xã hội hóa đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng, vẫn còn trường học chưa đủ điều kiện đạt chuẩn.
Cùng với những khó khăn trên, tình trạng thiếu giáo viên và những khó khăn về nguồn tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, chế độ đãi ngộ cũng ảnh hưởng lớn đến nỗ lực nâng cao chất lượng GD-ĐT của thành phố Hà Giang. Cô giáo Hoàng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, cho biết: Năm học 2024-2025, Phòng GD-ĐT thành phố cho chủ trương nhà trường được hợp đồng 1 giáo viên tiếng Anh, tuy nhiên rất khó khăn trong việc tìm giáo viên để hợp đồng, nếu có thì chế độ đãi ngộ quá thấp (5,1 triệu đồng/tháng), không giáo viên nào muốn ký hợp đồng với nhà trường.
Không chỉ thiếu giáo viên, việc chi trả tiền dạy thêm, làm thêm giờ của cán bộ, giáo viên chưa kịp thời. Cơ sở vật chất, trường lớp học xuống cấp; đồ dùng học tập thiếu cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cán bộ, giáo viên và học sinh, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng GD-ĐT của thành phố.
Học sinh trường THCS Yên Biên trong một tiết tin học. Ảnh: Phan Thoa |
Cô giáo Đỗ Ngọc Nhàn, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, cho biết: Hiện nay các nhà trường trên địa bàn thành phố của cả 3 cấp học đều không đủ biên chế giáo theo định biên. Giáo viên đang dạy vượt giờ rất nhiều, thời gian dành cho đầu tư nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn hạn chế. Số lượng học sinh/lớp quá đông vượt quy định, không gian lớp học chật chội nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục.
Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn thành phố có nhà trường hơn 400 học sinh sử dụng chung 4 nhà vệ sinh nên đôi khi còn có hiện tượng học sinh đi vệ sinh tự do… Đa số các nhà trường mong muốn thành phố có giải pháp đầu tư những hạng mục vệ sinh trường học, đặc biệt là chú trọng đầu tư sửa chữa những hạng mục liên quan đến an toàn của học sinh.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và giải quyết những hạn chế, bất cập của ngành Giáo dục, trước ngày khai giảng năm học mới 2024 – 2025, Bí thư Thành ủy Chúng Thị Chiên đã chỉ đạo: Các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện hiệu quả đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giáo dục trong công tác phát triển GD - ĐT. Tiếp tục thực hiện hiệu quả “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục Trường THCS Lê Quý Đôn thành phố Hà Giang”; đầu tư, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất công nhận trường chuẩn Quốc gia theo lộ trình năm 2024- 2025. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý gắn với với việc bồi dưỡng và đánh giá chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019… Phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường học trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc