Kiểm tra chéo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

11:06, 08/08/2024

BHG - Hàng năm, nhờ nguồn thu đáng kể từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và làm cho những cánh rừng đầu nguồn ngày càng xanh tốt. Để đảm bảo việc chi trả DVMTR công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, hoạt động kiểm tra, giám sát liên tục được đổi mới và thực hiện chéo giữa các huyện, thành phố.

Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) được bảo vệ nghiêm ngặt.
Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chéo giữa các huyện, thành phố, năm 2024, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ (Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì) cùng đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài chính  – Kế hoạch, Thanh tra huyện có trách nhiệm kiểm tra chéo tại huyện Vị Xuyên. Qua kiểm tra, giám sát tại huyện Vị Xuyên, công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR được thực hiện minh bạch từ UBND cấp xã đến thôn, tổ, cộng đồng dân cư và chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Các khoản chi từ tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư đều được tổ chức họp bàn, lấy ý kiến, biểu quyết nhất trí của các gia đình trong thôn, tổ, chủ yếu ưu tiên cho các hoạt động bảo vệ, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên địa bàn huyện có 242 Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở 24 xã, thị trấn. Các đợt tuần tra rừng được tổ chức thường xuyên, thành viên trong các Tổ đã trở thành cánh tay đắc lực, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật.

Từ năm 2023 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên đã tuyên truyền, phổ biến các quy định về, phòng cháy, chữa cháy rừng, chính sách chi trả DVMTR cho hàng nghìn lượt người thông qua các buổi họp thôn, tổ dân phố; tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo được 7.344 tin nhắn; tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở 900 lượt; cấp phát 4.500 tờ rơi và vận động hơn 15.600 hộ ký cam kết bảo vệ rừng. Hội thi tìm hiểu chính sách chi trả DVMTR, BV&PTR đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra danh sách thanh toán cho các bên cung ứng Dịch vụ môi trường rừng năm 2023.
Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra danh sách thanh toán cho các bên cung ứng Dịch vụ môi trường rừng năm 2023.

Hiện nay, huyện Vị Xuyên đang thực hiện chi trả tiền DVMTR theo kế hoạch của năm 2023 với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ là hơn 1,5 tỷ đồng và các xã, thị trấn là hơn 7,4 tỷ đồng. Cùng với đó, các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền DVMTR, dự kiến đến giữa tháng 8 sẽ hoàn thành toàn bộ. Từ chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng ngày càng được nâng cao. Qua đó, góp phần tạo sinh kế lâu dài cho người dân sống gần rừng và đẩy mạnh phát triển phong trào trồng rừng bằng giống cây gỗ tốt, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 457.000 ha rừng được chi trả DVMTR, tổng số tiền được chi trả theo kế hoạch của năm 2023 là hơn 106,5 tỷ đồng. Đến hết tháng 5.2024, Quỹ BV&PTR đã hoàn thành 100% tiến độ thanh toán cho các bên cung ứng DVMTR. Để nguồn vốn trong Quỹ chi trả DVMRT được triển khai nhanh, kịp thời, đúng, đủ, Quỹ đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Kiểm soát, đơn vị dịch vụ chi trả tiền, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng sớm giải ngân tiền DVMTR cho chủ rừng, bên nhận khoán bảo vệ rừng đảm bảo đúng định mức.

Giám đốc Quỹ BV&PTR, Đinh Thị Hà cho biết: “Để tăng cường quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR gắn với bảo vệ rừng tại cộng đồng, Hội đồng quản lý Quỹ cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của các thành viên chặt chẽ. Hình thức kiểm tra được tiến hành chéo giữa các huyện, thành phố và theo phương châm sát thôn, bản, gần dân. Qua đó, nắm bắt tình hình tổ chức, vận hành, triển khai chi trả DVMTR; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với việc thực hiện chính sách này tại địa phương. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR, bảo vệ và trồng rừng thay thế dựa vào cộng đồng dân cư”.

Bài, ảnh: Mộc Lan

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao
BHG - Trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng xác định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao chính là đột phá chiến lược, yếu tố quyết định, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thấm nhuần quan điểm này, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
07/08/2024
Đoàn phường Trần Phú với nhiều hoạt động sôi nổi dịp Hè
BHG - Đoàn phường Trần Phú, thành phố Hà Giang hiện có 12 chi đoàn trực thuộc. Trong mùa hè năm nay, Đoàn phường tiếp nhận hàng trăm đoàn viên thanh niên (ĐVTN) từ các trường học về sinh hoạt. Sức trẻ từ các bạn học sinh, sinh viên đã góp phần giúp cho phong trào Đoàn ở phường Trần Phú trở nên sôi động hơn với các hoạt động xã hội ý nghĩa.
07/08/2024
Xây dựng hình mẫu người chồng,người cha lý tưởng
BHG - Để thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình là tổ ấm hạnh phúc, là tế bào của xã hội và là cái nôi giáo dục, lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả nữ giới và nam giới trong mái ấm gia đình. Nhiều nam giới trẻ, lần đầu làm cha sẵn sàng tham gia các chương trình, cuộc thi người chồng, người cha lý tưởng, đong đầy yêu thương mỗi ngày.
07/08/2024
Bài trừ hủ tục mở lối phát triển
BHG - Trong cộng đồng 19 dân tộc của tỉnh có chứa đựng nhiều nét văn hóa đã và đang trở thành giá trị di sản văn hóa của nhân loại và cấp quốc gia. Song, bên cạnh đó còn không ít những tập quán lạc hậu vẫn hiện hữu trong đời sống. Vì vậy, để có thể thay đổi các hành vi, nhận thức đến hành động xóa bỏ hủ tục, mỗi người dân cần là một tuyên truyền viên tích cực ngay trong gia đình, bản làng, quê hương của mình.
07/08/2024