Vĩnh biệt một cây đại thụ nữa của Hà Giang
BHG - Qua mạng xã hội, biết ông đã từ giã cõi trần, tôi vội viết mấy dòng về ông, coi như thắp nén hương tiễn ông về đất mẹ. Ông Vừ Mí Kẻ là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 5 khóa liên tiếp, từ khóa II đến khóa VII của tỉnh Hà Giang. Từ thân phận một người chăn ngựa đến Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện rồi Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông đã để lại khá nhiều huyền thoại trên mảnh đất biên cương Hà Giang. Cách đây lâu rồi, gặp ông ở quán phở bên phố Minh Khai, tôi có nhã ý trả tiền phở cho ông, ông xua tay cười hiền hậu: Ông có lương mà. Kể cả khi đã về nghỉ chế độ, ông vẫn là một già làng mẫu mực từ lời ăn tiếng nói đến hành động.
Sinh năm 1930 ở xã Sà Phìn trên cao nguyên Đồng Văn, ngay từ nhỏ, ông Vừ Mí Kẻ đã có tiếng là một cậu bé Mông khỏe mạnh, thông minh, có bản lĩnh. Năm 1944, cậu bé bước sang tuổi 15, Mí Kẻ được cụ Vương Chí Sình đưa về làm công việc “coi ngựa” ở dinh Sà Phìn. Dù chỉ là người giúp việc, theo cách gọi trước đây là kẻ ăn người ở, nhưng Mí Kẻ vẫn được cả nhà họ Vương quý mến vì chăm chỉ và rất biết việc.
Ông Vừ Mí Kẻ (bên phải) và bạn bè |
Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc, từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Có đóng góp không nhỏ vào thành công của cách mạng ở Cao nguyên Đồng Văn, Tổng bộ Việt Minh đã mời ông Vương Chính Đức về thăm Thủ đô Hà Nội và thăm Hồ Chủ tịch, song do tuổi cao sức yếu, Bộ tham mưu của người Mông quyết định cử Vương Chí Sình đi thay. Năm 1946, Vương Chí Sình thay mặt cha về Hà Nội diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vừ Mí Kẻ được Vương cho đi tháp tùng. Tại Hà Nội, Vừ Mí Kẻ được cùng Vương Chí Sình vào Phủ Chủ tịch, được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lễ kết nghĩa với Vương Chí Sình và trao tặng người anh em kết nghĩa họ Vương thanh bảo kiếm có khắc tám chữ đầy ý nghĩa: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”.
Sau lễ kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vương Chí Sình trở về Sà Phìn thu gom gần như toàn bộ tài sản tham gia tuần lễ vàng, ủng hộ Chính phủ để kiến thiết quốc gia. Việc “áp tải” số vàng bạc gồm 22 vạn đồng bạc Đông Dương và 9kg vàng (tương đương 234 lượng) về Hà Nội được ông chủ họ Vương tin tưởng giao cho Vừ Mí Kẻ. Vượt qua chặng đường gần 500km, trong đó có tới gần 300km đường rừng núi cao đèo thẳm nằm trong vùng hoạt động của các nhóm thổ phỉ còn sót lại sau cách mạng, chàng thanh niên 17 tuổi đã đưa số tài sản trên về tới Hà Nội an toàn, giao cho Chính phủ đầy đủ, không hề suy suyển. Thành công đó của Vừ Mí Kẻ đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn, khẳng định niềm tin của Vương Chí Sình vào tài năng, lòng trung thành và tấm lòng của chàng thanh niên Mông giàu nhiệt huyết với cách mạng.
Năm 1950, khi 21 tuổi, Vừ Mí Kẻ được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Sà Phìn quê hương ông. Mí Kẻ đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, được dân bản yêu mến, tin tưởng. Năm 1957, khi miền xuôi đang tập trung khắc phục hậu quả của sai lầm trong cải cách ruộng đất, còn ở huyện Đồng Văn (gồm cả Mèo Vạc, Yên Minh, một phần Quản Bạ bây giờ) thổ phỉ được các thế lực bên ngoài giúp đỡ đang manh nha bạo loạn, Chủ tịch huyện Vương Chí Sình lúc đó 71 tuổi, xin nghỉ vì tuổi đã cao, từ đó Vừ Mí Kẻ đảm nhiệm chức vụ này. Ba năm sau, miền Bắc bầu cử Quốc hội khóa II, cả cụ Vương Chí Sình và ông Chủ tịch huyện Đồng Văn họ Vừ đều được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội. Và ông Vừ Mí Kẻ, anh chàng coi ngựa của Vương gia năm xưa được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tiếp.
Trước năm 1960, đường từ Hà Giang lên Đồng Văn vô cùng khó khăn, đi lại, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng ngựa trên đường mòn. Nhằm cải thiện giao thông để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao, Chính phủ đã đầu tư mở con đường ô tô lên Cao nguyên đá, con đường được Bác Hồ đặt tên là “Đường Hạnh Phúc” và vai trò Tổng chỉ huy công trường mở đường được giao cho ông Vừ Mí Kẻ. Vị Chủ tịch huyện Đồng Văn đã rất sung sướng và tự hào nhận trách nhiệm điều hành mở con đường lịch sử lên vùng cao.
Vừa khởi công làm đường, loạn phỉ lại nổi lên phá hoại công trình và cuộc sống bình yên của nhân dân. Ông Mí Kẻ vừa chỉ huy quân dân Đồng Văn tiễu phỉ, vừa đẩy mạnh thi công mở đường và phát triển kinh tế. Tháng 6 năm 1965, lễ khánh thành con đường Hạnh Phúc được tổ chức trọng thể tại huyện lỵ Đồng Văn, chấm dứt nạn “mù đường” từ ngàn năm, nhân dân vô cùng phấn khởi. Bằng công sức của công nhân, dân công 18 dân tộc 8 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Nam Định, con đường dài 164km qua 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã hoàn thành. Công trình mở đường gian nan, nhất là chinh phục cổng trời Mã Pí Lèng để có con đường thênh thang ngày nay qua cao nguyên đá - một kỳ tích của tinh thần đoàn kết và sự hy sinh cao cả của các dân tộc anh em - có sự đóng góp công sức của ông Chủ tịch huyện Đồng Văn Vừ Mí Kẻ.
Sau thành tích mở đường, phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Văn, đặc biệt là vận động nhân dân cao nguyên phá bỏ cây thuốc phiện, trồng các loại cây lương thực và dược liệu, ông Vừ Mí Kẻ được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Giang. Sau khi sáp nhập Hà Giang với Tuyên Quang, ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tuyên đến khi nghỉ chế độ. Đã có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ dân tộc Mông trưởng thành từ thực tiễn công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ, nhân dân giao phó, nhưng có lẽ ông Vừ Mí Kẻ là nhân vật đặc biệt nhất. Lòng nhiệt thành “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của ông Vừ Mí Kẻ, là tấm gương sáng ở Hà Giang - mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Nghỉ hưu, huyền thoại một thời của miền cao nguyên đá Đồng Văn sống bình dị trong căn nhà nhỏ với con trai là Thượng tá Vừ Mí Na công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang và các cháu. Mỗi khi bạn bè đến thăm, ông vẫn đãi khách bằng rượu ngô quê hương. Với nụ cười hồn hậu, ông bảo, cuộc đời ông đã trọn vẹn, cái gì lo được cho dân ông đã làm hết sức rồi, ông an tâm khi thế hệ sau sẽ làm tiếp phần còn lại, làm sao cho vùng đất nghèo khó này mỗi ngày một đầy đủ giàu có hơn, con cháu được học hành như ước nguyện của Bác Hồ kính yêu mong muốn. Dù có nhiều thành tích lớn, từng giữ chức trọng quyền cao, nhưng tài sản có giá trị nhất của ông khi trở lại cuộc sống đời thường chỉ là cái xe đạp được phân phối từ thời bao cấp. Dù vậy, ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, ngày ngày vẫn làm vườn, chăn nuôi, sống vui cùng con cháu. Và mùa hè này, ông đã về với miền đá ở tuổi 95. Ông lại về với Sà Phìn - cái nơi ông từng đi chăn ngựa rồi giác ngộ và đi theo cách mạng.
An nhiên, tự tại, sống bình dị, không một chút biểu hiện công thần, đó chính là hình ảnh của ông Vừ Mí Kẻ - vị đại biểu Quốc hội 5 khóa liền ở Hà Giang. Một lần nữa, vĩnh biệt ông, một cây đại thụ nữa của miền đá Đồng Văn. Trước đó, bác Sùng Đại Dùng, một đồng chí, đồng hương, đồng tuế, cũng là cây đại thụ ở vùng cao cũng đã về miền mây trắng.
PHƯƠNG HÀ
Ý kiến bạn đọc