Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ Dự án 8
BHG - Sau 3 năm thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã hoàn thành 4/9 chỉ tiêu, tạo “làn gió mới” giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống.
Dự án 8 triển khai 4 nội dung, hoạt động chính gồm: Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT - XH của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ). |
Hội LHPN tỉnh hiện có trên 179.380 hội viên, phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, yếu thế, đặc biệt nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, bất bình đẳng giới kìm hãm sự phát triển. Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8, Hội LHPN tỉnh vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các hoạt động, đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống hội viên, giúp phụ nữ chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, khởi nghiệp, bài trừ hủ tục và vươn lên xóa bỏ định kiến, làm chủ cuộc sống.
Theo đó, Hội LHPN các cấp đã hoàn thành và vượt 4 chỉ tiêu trong dự án 8 gồm: Thành lập 1.071/730 tổ truyền thông cộng đồng; củng cố, nâng cao, thành lập mới 394/75 “Địa chỉ tin cậy” cộng đồng; thành lập 146/138 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 118 trường học, 28 cộng đồng; mở 36/36 lớp tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã. Các hoạt động đang triển khai gồm: Hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm, tổ sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; tổ chức đối thoại chính sách, tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn, người có uy tín tại cộng đồng; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, mới bổ nhiệm, trúng cử lần đầu của cấp huyện, xã; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nam giới về thực trạng bạo lực gia đình, vai trò tham gia trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; hỗ trợ người bị bạo lực gia đình lên tiếng, tiếp cận các dịch vụ xã hội, kiến thức, kỹ năng về quản lý cảm xúc, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình và phòng, chống nạn tự tử. Các địa phương tổ chức hội thi, liên hoan xây dựng các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua, bán phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ phụ nữ đi khám thai, sinh con tại cơ sở y tế.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Yến Nga chia sẻ: Thực tế, công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn; việc triển khai các hoạt động của Dự án 8 đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt là những phụ nữ và trẻ em gái tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua, bán, bị bạo lực gia đình, xâm hại, người khuyết tật”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc