“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu” loại bỏ hủ tục ở Hà Giang
BHG - Là tỉnh miền núi, có nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc Hà Giang đang lưu giữ nhiều nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa. Tuy nhiên bên cạnh đó, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu. Năm 2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27). Qua 2 năm triển khai thực hiện, được nhân dân hưởng ứng, đồng thuận thực hiện.
Thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) có 55 hộ với 345 nhân khẩu, 100% đều là dân tộc Mông, có 6 dòng họ. Trước kia nơi đây tồn tại nhiều hủ tục, nhất là trong việc cưới, nhiều hộ thách cưới cao, tổ chức dài ngày, ăn uống linh đình; trong việc tang đua nhau giết mổ nhiều gia súc, không cho người chết vào áo quan, đốt nhiều vàng mã để thể hiện con cháu hiếu kính với người quá cố gây tốn kém, lãng phí và ảnh hưởng vệ sinh môi trường; nhiều hộ gia đình trọng nam khinh nữ, cấm kiêng kỵ con dâu lên trên gác, ngồi ăn cơm chung với bố chồng; từ người già đến người trẻ đua nhau uống rượu...
Múa khèn – nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông được lưu giữ. |
Ông Vàng Chìa Ly, Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung chia sẻ: Sau khi có Chỉ thị số 09 và Nghị quyết 27, thôn thành lập tổ vận động gồm các thành viên trong Ban Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, người có uy tín, thầy mo, thầy cúng, thầy khèn, thầy xem ngày tốt, xấu; ban hành quy chế và phân công thực hiện tuyên truyền, vận động người dân. Cùng với đó kiện toàn lại tổ dân vận và bổ sung thêm nhiệm vụ cho từng thành viên. Tổ chức nhiều cuộc mạn đàm với từng nhánh dòng họ, họp bàn với trưởng dòng họ, các thầy mo, thầy cúng để thảo luận, bàn bạc thống nhất về nhận thức, cải tiến, đổi mới theo Nghị quyết 27 trong việc cưới, việc tang và thay đổi tư duy trong đời sống sinh hoạt, trong tổ chức lễ hội, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đồng thời thực hiện quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống”. Thực hiện ký cam kết với từng hộ gia đình, từng dòng họ và giao cho từng tổ chức hội ký cam kết với hội viên, đoàn viên của tổ chức mình về chấp hành và gương mẫu thực hiện Nghị quyết 27. Sau 2 năm thực hiện, nhiều hủ tục đã được loại bỏ, nhận thức của người dân đã được nâng lên, đến nay thôn có 4/6 dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay khi làm tang lễ tại nhà; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 9 - 11%, bộ mặt của thôn đã từng bước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần dần được nâng cao.
Còn tại thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc có 202 hộ, 1.206 nhân khẩu, với 8 dòng họ. Trước khi chưa có Nghị quyết 27, nhiều hủ tục ở thôn đã làm “rào cản” trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nạn tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên, thách cưới cao, một số đám tang để từ 5 - 7 ngày, ăn uống linh đình, mổ từ 3 - 5 con bò ăn uống rất tốn kém. Sau khi có Nghị quyết 27 thì những hủ tục này dần được loại khỏi cộng đồng thôn. Ông Sùng Chứ Mua, trưởng dòng họ Sùng (dân tộc Mông) cho hay: Dòng họ có 63 hộ, 323 khẩu, sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và giải thích, dòng họ chúng tôi thống nhất sẽ thay đổi từ cái cũ, sang cái mới, có việc sẽ cải tiến, đổi mới theo Nghị quyết 27. Cả dòng họ có 17 đảng viên, chúng tôi phát huy vai trò tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nên thống nhất tổ chức nghi lễ đám ma dài nhất là 36 giờ, ngắn thì 12 giờ, chỉ mổ một con lợn và không cho con cháu tảo hôn; đồng thời khuyến khích con cháu thực hiện báo hỷ thay cho tổ chức cưới, nếu có tổ chức cưới cũng chỉ tổ chức không quá một ngày, không ăn uống linh đình, từ đó mà kinh tế dòng họ Sùng khá giả hơn trước đây, không còn hộ diện đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Trong hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 27 đã đạt được nhiều thành tựu như trong việc cưới đã có chuyển biến tích cực; nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được quan tâm thực hiện, tiêu biểu như huyện Đồng Văn chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp vận động đoàn viên, thanh niên tổ chức đăng ký kết hôn tập thể, thành lập các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn, gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan; huyện Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới tại 13/13 xã, thị trấn; huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần làm tốt công tác vận động mọi người không dự lễ cưới đối với các cặp đôi tảo hôn. Trong việc tang, có sự chuyển biến khá rõ nét như: Đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc, dòng họ và hoàn cảnh của gia đình, những yếu tố mê tín dị đoan dần được loại bỏ; hạn chế việc giết mổ nhiều gia súc trâu, bò, rượu chè linh đình trong nhiều ngày… Nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của nhân dân các dân tộc được bảo tồn và phát huy như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian. Đây là một trong những kết quả bước đầu về thực hiện các nội dung trong Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc