Cuộc gặp gỡ xúc động
BHG - Sau những cơn mưa, bầu trời trong xanh, giữa những ngày tháng 7 lịch sử, tôi có dịp theo những đoàn người từ khắp mọi miền đất nước trở về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên để thắp hương, tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Vượt quãng đường dài hơn 1.500 cây số từ tỉnh Đắk Lắk đến thăm mặt trận Vị Xuyên sau những năm dài của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cựu chiến binh (CCB) Hoàng Bá Xang không dấu được niềm xúc động sau gần 40 năm quay lại mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Những cái ôm thặt chặt, cái bắt tay thật nồng ấm của người lính đã bao ngày cách xa, khiến cho ông dường như trẻ lại và tan biến hết mệt mỏi. Trong số hơn một nghìn người lính trở về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên thắp nén tâm nhang cho những đồng đội đã quên mình ngã xuống vì sự bình yên của non sông đất nước, ông Xang là người đặc biệt hơn bởi đôi chân đã khuyết một bên, phải chống nạng trên suốt hành trình xa xôi đến đây. Dù mang trong mình thương tật 2/4, nỗi đau nhức mỏi khắp cơ thể nhưng không gì có thể làm vơi bớt ý chí của những người lính trung kiên như ông.
Những cái ôm thật chặt của người lính mặt trận Vị Xuyên sau nhiều năm xa cách. |
Cựu chiến binh Hoàng Bá Xang xúc động bày tỏ: “Tôi nguyên là Trưởng ban Trinh sát của Đại đội C20, Sư đoàn 356. Lính trinh sát được gọi là tai, mắt, có khả năng quan sát, phán đoán chính xác tình hình. Gần chục năm ròng, không khi nào biên giới Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn. Nơi đây, nhiều trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt mà các chiến sỹ gọi đó là “Lò vôi thế kỷ”, “Cối xay thịt người”, “Đồi thịt băm”. Với ý chí một tấc không đi, một ly không rời, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, không tiếc thân mình cho Tổ quốc. Trận đánh trên cao điểm 685, tôi đã bị thương và mất một chân. Sau ngần ấy năm, nay tôi mới có dịp gặp lại đồng chí, đồng đội, chúng tôi rất hồ hởi nhưng vẫn đau đáu bởi còn có những anh, em trong cùng đơn vị đã hy sinh, chưa tìm được danh tính, tên tuổi”.
Dù không trực tiếp tham gia vào mặt trận Vị Xuyên, nhưng bà Đặng Thị Thiết, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), một người lính quân y của Sư đoàn 356 đã sáng tác hàng chục bài thơ về người lính trên mặt trận Vị Xuyên qua những lời kể chất chứa nỗi niềm của đồng đội. Trong tập thơ của bà, có tác phẩm được đặt tên như: Cả đời con nợ mẹ; con đường mang tên anh; mãi mãi tuổi 20. Những bài thơ được viết ca ngợi về những chiến công, gian khổ, hy sinh của người lính và hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng. Tụ hội đông đủ về đây đứng trước anh linh các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, bà xúc động đọc từng câu, từng chữ gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình và của cả những người đang sống đến những người lính đã không tiếc tuổi trẻ, thanh xuân cho Tổ quốc. Qua những lời thơ được chắp bút có thể chưa hay, nhưng mỗi chúng ta luôn cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc để nuôi dưỡng và bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Cựu chiến binh Hoàng Bá Xang, người mất một bên chân, không dấu được niềm xúc động sau gần 40 năm quay lại mảnh đất biên cương của Tổ quốc. |
Phải đến hơn 40 năm, từ ngày nhận được tin người thân ruột thịt hy sinh, đến bây giờ, anh Lê Văn Hùng và người anh trai của gia đình quê ở Ngọc Lặc, một huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa mới có điều kiện ra thăm nơi an nghỉ của Liệt sỹ Lê Văn Thắng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Trong giây phút nghẹn ngào xúc động, khó có thể diễn tả thành lời, anh Hùng bày tỏ: “Đồng hành trong chuyến đi lần này còn có đồng đội của anh trai tôi. Tôi là người dân tộc Mường, chuyến đi lần này là xa nhất và lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Giang. Đến đây thấy phần mộ của anh được nằm giữa hàng nghìn mộ Liệt sỹ được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, chúng tôi phần nào yên tâm. Biết nơi anh nằm, từ quê nhà cũng hạnh phúc, mong mỏi và ước nguyện của gia đình chúng tôi đã thành hiện thực. Anh hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc, em hứa sẽ luôn noi gương anh để vươn lên trong cuộc sống như những điều anh đã dặn dò”.
Mỗi con người tôi gặp là một hoàn cảnh khác nhau nhưng có lẽ với nhiều người cả năm, thậm chí cả đời họ cũng chỉ mong ngóng có chuyến đi này để gặp lại anh em đồng đội, người thân, để thỏa nỗi nhớ một thời vào sinh ra tử. Qua những câu chuyện của họ, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về một thế hệ đã mất mát, hy sinh, gian khổ nhiều đến thế nào để có một đường biên giới hòa bình, hữu nghị như hôm nay.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc