Những chuyến đi không mỏi
BHG - Nghề báo vốn đã vất vả, nhưng những người làm báo ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên cương của Tổ quốc lại càng gian nan, vất vả hơn nhiều. Song bằng tình yêu nghề, đội ngũ phóng viên của Báo Hà Giang đã không ngại mọi gian khổ, bám sát địa bàn cơ sở được phân công phụ trách để truyền tải thông tin đến bạn đọc. Sự thân thương, gần gũi, bình dị của đồng bào và tình cảm yêu mến của độc giả chính là món quà quý nhất đối với người làm báo như chúng tôi trên suốt những hành trình không mỏi, đi tìm hương thơm, mật ngọt cho đời.
Từ ngày vào công tác tại Tòa soạn Báo Hà Giang, nhà báo trẻ Nguyễn Thị My Ly đã được phân công phụ trách địa bàn huyện Đồng Văn. Đây là một trong những huyện vùng cao, biên giới khó khăn nhất của tỉnh với diện tích chủ yếu là núi đá, bà con đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Lô Lô, Tày... Thấm thoát gần 8 năm trong nghề, đồng chí đã đặt chân đến hầu hết các thôn, bản xa xôi để gặp gỡ, tiếp xúc với người dân. Mỗi chuyến đi cơ sở đều mang đến cho nhà báo My Ly một trải nghiệm mới mẻ, khó quên và có thêm nhiều chất liệu sống để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí hay, có chất lượng, chiều sâu, phản ánh đúng thực tiễn hơi thở cuộc sống và tâm tư, nguyện vọng mà nhân dân đã gửi gắm.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đón đọc Báo Hà Giang. |
Tác nghiệp tại vùng khó, nghề báo đã cho My Ly những kỷ niệm đáng nhớ trên những chặng đường rong ruổi lên Cao nguyên đá vào mùa Đông rét buốt, sương giăng mờ trên đỉnh núi, có khi phải đi bộ, sóng điện thoại chập chờn, rồi gặp những cơn mưa đột ngột, sạt lở đá. Nhà báo My Ly chia sẻ: “Không thể kể hết những nỗi niềm của người làm báo vùng cao, nhưng tôi nhớ mãi, trong chuyến công tác cách đây 3 năm, khi thực hiện bài viết về gương người gác cổng rừng thiêng ở thị trấn Phố Bảng, đoàn chúng tôi phải đi bộ mất một ngày. Băng qua những con dốc cao, nhiều đoạn không có đường mòn, sau cơn mưa lại càng trơn trượt, có người ngã, bị thương nhưng vẫn nở nụ cười trên gương mặt, tôi càng khâm phục những người đang ngày đêm thầm lặng giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, màu xanh của sự sống”.
Với khát vọng và tinh thần vươn lên từ đá, bây giờ Đồng Văn đã trở thành nơi trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, cơ sở vật chất hạ tầng, các thiết chế văn hóa dần hoàn thiện, vì thế, đường về các thôn, bản cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Với cảnh quan, thiên nhiên tuyệt đẹp, sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú Đồng Văn luôn là mảnh đất ấn tượng, thi vị, giàu cảm xúc để những nhà báo tham gia viết bài. Qua đó, góp phần tuyên truyền rộng rãi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, quảng bá, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh đẹp, vững vàng, sáng ngời ý chí trên dải biên cương Tổ quốc.
Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại xã Má Lé (Đồng Văn). Ảnh: Tư liệu |
Có thời gian dài gắn bó với nghề báo, nhà báo Nguyễn Văn Long cảm nhận nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn, nguy hiểm. Xín Mần nơi anh phụ trách là địa bàn xa, cách trở nhất trong 3 huyện phía Tây của tỉnh. Vì lẽ đó, bí kíp trước những chuyến đi kéo dài cả tuần là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ quần áo, giày dép, mũ đến trang, thiết bị phục vụ cho quá trình tác nghiệp. Những khoảnh khắc đẹp bắt gặp trên đường đi càng không thể bỏ lỡ. Đi nhiều để hiểu đời, hiểu mình, để biết cảm thông, chia sẻ và gần gũi hơn với mỗi số phận, hoàn cảnh. Không có niềm vui nào lớn lao hơn khi mỗi bài viết của mình trở thành cầu nối, động lực, thắp lửa niềm tin cho người dân vươn lên trong cuộc sống.
So với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc, Hà Giang là một trong những địa phương có điều kiện tác nghiệp khó khăn nhất. Để đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, Báo Hà Giang phân công phóng viên theo địa bàn, hầu hết trong 11 huyện, thành phố, mỗi cơ sở đều có 2 phóng viên phụ trách. Dù là phóng viên nam hay nữ, chúng tôi không xa lạ với những chuyến đi bám bản dài ngày. Mỗi người một quê hương khác nhau đến đây công tác, chúng tôi luôn coi đồng nghiệp, bà con dân bản như gia đình, người thân. Sự say sưa, sâu sắc, yêu nghề đã giúp những người làm báo “thai nghén” nên những đứa con tinh thần thực sự chất lượng gửi đến bạn đọc. Trong đó, có không ít những tác phẩm xuất sắc đạt các giải báo chí từ địa phương đến Trung ương.
Mang duyên nợ với vùng cao, anh em phóng viên, những chiến sỹ trên mặt trận cầm bút của Báo Hà Giang luôn giữ cho mình tâm sáng, bút sắc, lòng trong và cố gắng, nỗ lực hơn từng ngày để thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc