Hiệu quả bước đầu của Tổ truyền thông cộng đồng ở Mèo Vạc
BHG - Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ (PN), trẻ em (TE), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mèo Vạc đã thành lập và duy trì hoạt động các Tổ truyền thông cộng đồng (TTTCĐ). Đây là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 – hướng đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN và TE.
Hội LHPN huyện Mèo Vạc có 17.614 hội viên PN, trong đó có 16.791 hội viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống chủ yếu ở các địa bàn vùng cao, biên giới. Cuộc sống của đa số hội viên còn nhiều khó khăn, bởi phải gánh nặng hủ tục, tập quán lạc hậu. Để giúp hội viên nâng cao nhận thức, giúp PN tự tin vươn lên và từng bước thay đổi quan niệm “PN là phái yếu trong gia đình”, Hội LHPN huyện Mèo Vạc quan tâm hướng dẫn Hội PN các cấp ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với PN và TE vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mô hình TTTCĐ ra đời được đông đảo người dân đón nhận và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Mèo Vạc tập huấn nâng cao năng lực vận hành Tổ truyền thông cộng đồng. |
Đến nay, toàn huyện Mèo Vạc đã thành lập và ra mắt 197 TTTCĐ với 844 thành viên trên 18/18 xã, thị trấn. Nhiệm vụ quan trọng của Tổ là xác định các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với PN và TE tại địa phương để tuyên truyền, vận động thay đổi, giải quyết. Các thành viên trong Tổ tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, PN, TE gái nói riêng; kịp thời phản ánh với Ban điều hành Tổ về các vấn đề phát hiện ở địa bàn.
Ngay sau khi thành lập, các thành viên TTTCĐ sẽ được tập huấn hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ truyền thông; xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (ứng dụng zalo, facebook và các ứng dụng khác…) để chia sẻ thông tin, kết nối hoạt động của các Tổ. Tổ truyền thông lấy người dân, đặc biệt là PN và TE gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của thôn, bản nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn xã, là đối tượng truyền thông. Đồng thời, việc thành lập và ra mắt các Tổ truyền thông cũng sẽ nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc PN và TE, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN và TE vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Mèo Vạc, Hầu Thị Phương chia sẻ: “Hiện nay ở các thôn, bản, đặc biệt là các thôn, bản vùng cao của huyện Mèo Vạc, vấn đề khuôn mẫu giới là một sự cản trở trong việc thực hiện bình đẳng giới. Vì vậy, việc thành lập các TTTCĐ với các thành viên là những người tại địa phương, gần gũi với cộng đồng sẽ là nhân tố quan trọng trong việc góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cộng đồng, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho PN và TE. Để duy trì hoạt động của tổ truyền thông chúng tôi thường xuyên tập huấn kỹ năng truyền thông cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên, đồng thời khảo sát tình hình về định kiến giới ở địa phương để có những kế hoạch hoạt động sát với tình hình, nhu cầu thực tế”.
Tin tưởng kiến thức, nhận thức sẽ giúp thay đổi cuộc sống của đồng bào DTTS ở huyện Mèo Vạc, trong đó có PN và TE, đã và đang nỗ lực tạo dựng tương lai cho chính mình, thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ những việc nhỏ trong gia đình. Sự đổi thay này là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Mèo Vạc nói riêng, toàn tỉnh Hà Giang nói chung.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Ý kiến bạn đọc