Giảm tỷ lệ sử dụng, tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá
BHG - Thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (TL) trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh đã từng bước xây dựng môi trường không khói thuốc. Tiếp tục duy trì đà giảm tỷ lệ hút TL, các cấp, ngành đang tích cực triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại TL đến năm 2030.
Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại TL đến năm 2030 đặt mục tiêu chung giảm tỷ lệ sử dụng, tiếp xúc thụ động với khói TL nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm TL gây ra. Các mục tiêu cụ thể được xây dựng phù hợp với các giai đoạn; đặc biệt, tập trung ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm TL điện tử, nung nóng, shisha và các sản phẩm TL mới khác trong cộng đồng. Các giải pháp trọng tâm được xác định như: Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại TL; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành; đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát; kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới và hợp tác quốc tế.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải (Yên Minh) xây dựng môi trường không khói thuốc lá. |
Sớm đưa các nội dung của Chiến lược vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại TL. Tiếp tục quán triệt các nghị quyết, quy định pháp luật liên quan, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về công tác phòng, chống tác hại TL. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy định, kiểm tra, giám sát địa điểm không khói TL. Các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại TL được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp hàng năm xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại TL phù hợp với thực tế địa phương.
Để đạt được kết quả khả quan trong phòng, chống tác hại TL cần sự chung tay của cả cộng đồng, do đó, các hoạt động tuyên truyền được triển khai liên tục, đổi mới với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông, tập trung phổ biến về quy định cấm hút TL tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, bến xe, các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại TL cho giáo viên, học sinh; xây dựng tài liệu giáo dục, tổ chức các hoạt động truyền thông. Các địa phương tiếp tục duy trì các cách làm trong xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi công cộng… Qua đó, tạo sự thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi, từng bước tạo môi trường không khói TL.
Tích cực triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại TL, ngành Y tế tập trung nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế và người dân về tác hại của TL; giảm tỷ lệ sử dụng TL, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói TL. Các bệnh viện, phòng khám xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình cơ sở y tế không khói thuốc; quy định cụ thể, thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị, tại nơi làm việc. Toàn ngành phấn đấu giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói TL tại các cơ sở y tế xuống dưới 30% vào năm 2025 và duy trì dưới 25% vào năm 2030. Không chỉ giảm bớt nguy cơ về bệnh tật, các mô hình bệnh viện không khói TL là biện pháp hiệu quả tạo môi trường khám, chữa bệnh trong lành, an toàn, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Mặc dù công tác phòng, chống tác hại TL đã được hiện thực hóa thành luật, nhưng để triển khai trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành cần sự ý thức tự giác của mỗi cá nhân, trách nhiệm của cả cộng đồng nhằm chung tay xây dựng môi trường lành mạnh, không khói TL.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc