Đề thi môn Ngữ Văn hấp dẫn, vừa sức
BHG - Sáng 27.6, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở đầu bằng môn thi Ngữ Văn. Sau 120 phút dồn sức cho bài thi, trên gương mặt sĩ tử không giấu được nét rạng ngời, phấn khởi rời phòng thi. Theo nhận định của nhiều thí sinh trên địa bàn thành phố Hà Giang, đề thi Ngữ Văn năm nay hấp dẫn, có ý nghĩa sâu sắc và vừa sức với thí sinh.
Đề thi môn Ngữ Văn. |
Đề thi môn Ngữ Văn gồm 2 phần chính là Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu (3 điểm) yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi trong đoạn trích của tác phẩm “Dòng sông và những thế hệ của nước” (tác giả Nguyễn Quang Thiều); “Viết và đọc – Chuyên đề mùa thu 2023” (nhiều tác giả - Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Phần Làm văn (7 điểm), gồm 2 câu, câu 1 (2 điểm) yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu 2 (5 điểm) yêu cầu thí sinh phân tích đoạn thơ trích trong bài “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
“Gen Z” bày tỏ quan điểm về tôn trọng cá tính
Em Nguyễn Quang Đức (thứ 2 từ phải qua trái) lớp 12C5, Trường THPT Lê Hồng Phong thảo luận đề Ngữ Văn với bạn. |
Rời phòng thi với nụ cười tươi, em Nguyễn Quang Đức, lớp 12C5, Trường THPT Lê Hồng Phong không giấu được niềm vui: “Em đã hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ Văn. Em rất thích câu trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Theo em, cá tính là nét riêng có, độc đáo của một người để họ là một bản thể duy nhất khác với những người còn lại; từ đó, tạo nên một “vườn hoa” đa sắc trong xã hội. Sự cá tính này được thể hiện trên nhiều phương diện như: Tư tưởng, lời nói, hành động, cách ăn mặc… Chúng ta cần phải tôn trọng cá tính của người khác, vì tôn trọng cá tính của người khác cũng là tôn trọng cá tính của chính mình”.
Nguyễn Diệu Tú, lớp 12C1, Trường THPT Lê Hồng Phong bày tỏ quan điểm về tôn trọng cá tính. |
Chung quan điểm với Nguyễn Quang Đức; em Nguyễn Diệu Tú, lớp 12C1, Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ thêm: Mặc dù cá tính là bản sắc riêng của mỗi người, song không vì thế mà mình cường điệu hóa cái tôi của mình theo một cách tiêu cực. Như vậy, dễ dẫn đến tính cách tự cao, tự đại, bảo thủ, khó tiếp thu sự góp ý của người khác… Do đó, mình cũng cần xây dựng cá tính riêng trên cơ sở xác định rõ ưu điểm, hạn chế nhằm hoàn thiện bản thân để mỗi ngày trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình trong việc tạo dựng một môi trường sống tích cực.
Em Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Hà Giang hào hứng với đề thi tự luận xã hội về việc tôn trọng cá tính trong đề thi môn Ngữ Văn. |
Với tâm trạng thoải mái, vui vẻ, em Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 12 chuyên Sinh, (Trường THPT Chuyên Hà Giang) chia sẻ: “Trong đề thi môn Ngữ Văn, câu nghị luận xã hội về việc tôn trọng cá tính, em rất thích vì câu hỏi hay và ý nghĩa, phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của lứa tuổi chúng em. Em cho rằng, nếu mỗi người được tôn trọng cá tính riêng của mình thì sẽ tự tin thể hiện bản thân, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Qua đề thi này, em cũng đã bày tỏ lời cảm ơn đến cô giáo chủ nhiệm, người đã luôn lắng nghe, thấu hiểu học sinh, giúp chúng em biết học cách tôn trọng cá tính của người khác, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống”.
Nhân lên tình yêu đất nước
Thí sinh Nguyễn Phương Linh (bên phải) trao đổi nội dung đề thi Ngữ Văn với bạn. |
Hoàn thành bài thi Ngữ Văn sớm nhất tại điểm thi Trường THPT Ngọc Hà, thí sinh Nguyễn Phương Linh phấn khởi vì làm bài tốt. Linh chia sẻ: Mặc dù đề hơi dài, phần Làm văn cần nhiều thời gian để tư duy cách làm nhưng nội dung đọc hiểu lại dễ kiếm điểm tuyệt đối. Em nhận định bài “Đất nước” được đưa vào đề lần này nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay. Đây là bài thơ em yêu thích nên em có cảm hứng làm bài tốt. Ngoài kiến thức về tác giả, tác phẩm, em chú trọng phân tích đoạn trích, nội dung tư tưởng của tác phẩm và thông điệp mà tác giả gửi gắm.
Em Lý Bảo Ngọc, lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Giang phấn khởi rời phòng thi môn Ngữ Văn. |
Rời phòng thi, nhiều thí sinh phấn khởi vì đề thi môn Ngữ Văn “trúng tủ”. Em Lý Bảo Ngọc, lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Giang cho biết: “Trong chương trình ôn tập, bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chúng em đã được ôn tập kỹ, nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm nên làm bài khá tốt. Em dự đoán mình sẽ được trên 8 điểm”. Bày tỏ quan điểm của mình về đề thi Ngữ Văn năm nay, em Lèng Seo Thăng, hiện đang là chiến sỹ nghĩa vụ Quân sự, đóng quân tại Lữ đoàn 543, Quân Khu II, đăng ký dự thi tại điểm thi Trường THPT Ngọc Hà cho biết: Em thấy đề thi năm nay sát với cấu trúc đề minh họa, các câu hỏi có tính nhận biết cao, đảm bảo tính khoa học và phân loại học sinh. Phần đọc hiểu tương đối dài nhưng khá dễ. Còn phần phân tích trích đoạn trong bài thơ “Đất nước” được rất nhiều bạn trẻ yêu thích bởi ngôn ngữ giàu tính biểu trưng, thấm đẫm cảm xúc và mang đậm giá trị nhân văn”.
Thí sinh Ban Ngọc Vân, lớp 12C7, Trường THPT Lê Hồng Phong. |
Còn em Ban Ngọc Vân, lớp 12C7, Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: Em đã phân bổ thời gian hợp lý để tập trung giành điểm câu 2 của phần Làm văn, phân tích trích đoạn đầu tiên trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đây cũng là đoạn trích em thích nhất. Bởi, đất nước không phải là điều gì đó xa thẳm, cao vời vợi mà hiện lên trong thơ Nguyễn Khoa Điềm một cách mộc mạc, gần gũi. Đất nước là nơi ta lớn lên, gắn bó với ta từ thuở nằm nôi. Và cuối cùng “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”, cho thấy đất nước gần gũi mà thiêng liêng vô cùng. Qua thơ Nguyễn Khoa Điềm, chúng em thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn; biết trân trọng quá khứ từ “những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể”, đến lịch sử “trồng tre mà đánh giặc” để cho ngày “dân mình đoàn tụ” trong độc lập, tự do, hạnh phúc để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh dự thi môn Ngữ Văn là 6.881/6.911, đạt tỷ lệ 99,57%. Toàn tỉnh có 30 thí sinh vắng thi; trong đó, 9 thí sinh khuyết tật được miễn thi, 6 thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2023 – 2024 và 15 thí sinh tự do bỏ thi. Môn thi Ngữ Văn tại 32 điểm thi diễn ra đúng lịch thi, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi. |
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc