Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia góp ý vào dự thảo một số Luật
BHG - Sáng 17.5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoảng sản, Luật Công chứng (sửa đổi). Tới dự có đại diện một số sở, ban, ngành, hội của tỉnh; chuyên gia tư vấn phản biện T.Ư và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo. |
Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 17.11.2011, qua 13 năm thi hành đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển KT – XH, tuy nhiên còn bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, hoàn thiện dự thảo theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan. Dự thảo Luật bám sát vào 5 chính sách, đề cương được Chính phủ thống nhất thông qua và được xây dựng với 132 điều, 13 chương. Thông qua luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Dự án Luật Địa chất và Khoảng sản. Góp ý vào một số nội dung trong quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; việc quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia… Đồng thời, đề nghị bổ sung các cách tiếp cận vấn đề, thể hiện rõ mục đích của Luật; sửa đổi một số biểu hiện chưa phải là quy định chung; đánh giá lại tính hợp lý trong quy định chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản...
Đại biểu tham gia ý kiến vào dự thảo các dự án luật. |
Đối với Luật Công chứng (sửa đổi) được Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo gồm 10 chương, 79 điều, trong đó, đã sửa đổi 61 điều, giảm 11 điều và bổ sung 9 điều. Dự thảo luật kỳ vọng đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn cuộc sống trong công tác công chứng, tăng cường quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho công chứng điện tử, chuyển đổi số. Tham gia ý kiến, các đại biểu nhất trí cho rằng việc sớm sửa đổi Luật này sẽ tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về công chứng và thực tiễn thực hiện Luật Công chứng. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định lại nội dung tiếng nói, chữ viết dùng trong công chứng để tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số khi tham gia công chứng và sử dụng các văn bản công chứng. Việc rà soát hồ sơ xin miễn nhiệm công chứng viên cần chặt chẽ; việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng, các chế tài xử lý vi phạm…
Tin, ảnh: LINH CẦM
Ý kiến bạn đọc