Giải quyết việc làm góp phần đẩy lùi hủ tục
BHG - Xác định nâng cao chất lượng gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển KT – XH, tỉnh đã gắn tuyên truyền xóa bỏ hủ tục với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động, thực hiện chính sách ưu đãi để thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đưa Nghị quyết số 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đi vào cuộc sống, ngành LĐ,TB&XH đã tham mưu và triển khai hiệu quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, nhất là tham mưu các chương trình, kế hoạch về đào tạo nghề, GQVL giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai các chính sách về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ cơ sở xã, phường, thôn, bản; tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho hàng chục nghìn người lao động (NLĐ). Qua đó, giúp chính quyền cơ sở, người dân, NLĐ tiếp cận chủ trương, chính sách về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng sống, tác phong, kỷ luật; giúp NLĐ tiếp cận thị trường, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để học nghề, tìm kiếm việc làm tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, góp phần thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.
Nhiều lao động được giải quyết việc làm tại Dự án Khu liên hợp Thể thao và Văn hóa tỉnh. |
Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối thị trường, kết nối cung cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 58,2%; đã đào tạo nghề cho cho 19.800 người; giải quyết việc làm cho 27.000 NLĐ, trong đó lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 18.000 người, chủ yếu đi lao động tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Tổ chức 250 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho trên 17.200 người, trong đó giới thiệu việc làm thành công cho 908 người; trợ cấp thất nghiệp cho 1.871 người. Tính riêng trong tháng 4 năm nay, bằng việc chú trọng tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm và kết nối cung cầu lao động, toàn tỉnh tổ chức 19 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề cho 878 người, giới thiệu việc làm thành công cho 91 người đi làm việc ngoài tỉnh. Tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng trực tuyến của 8 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, hỗ trợ 30 NLĐ đăng ký tìm việc làm trực tuyến.
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Sùng Đại Hùng chia sẻ: NLĐ sau đào tạo đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, đưa năng suất, chất lượng, thu nhập tăng lên. Hiệu quả đào tạo nghề góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Một số huyện, thành phố xây dựng được các mô hình tiêu biểu như: Trồng cây dược liệu tại huyện Quản Bạ; kỹ thuật xây dựng tại huyện Hoàng Su Phì; kỹ thuật trồng rau an toàn tại thành phố Hà Giang, Quản Bạ; trồng ngô hàng hóa tại Xín Mần; thêu dệt thổ cẩm tại huyện Quang Bình, Quản Bạ; nuôi ong lấy mật tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc... Các mô hình này liên kết được NLĐ với doanh nghiệp, hợp tác xã, thành lập các tổ dịch vụ để tiêu thụ sản phẩm do học viên làm ra, giúp cho NLĐ nông thôn ổn định việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần thực hiện công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Trước thực tế công tác phối hợp tuyên truyền, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu gắn với công tác đào tạo nghề, GQVL cho lao động; thực hiện chính sách ưu đãi phát triển kinh tế, phổ biến pháp luật cho NLĐ gặp nhiều trở ngại do trình độ và sự hiểu biết, nắm bắt kịp thời của cán bộ làm công tác tuyên truyền có phần bị hạn chế; việc tiếp cận thông tin và ý thức tự giác xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc cần sự bền bỉ, lâu dài… nên tỉnh ta tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong tuyên truyền về chính sách lồng ghép các nội dung xóa bỏ hủ tục bằng các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị. Kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, về lao động, việc làm, gắn với mở rộng thị trường lao động và kết nối cung cầu, giúp NLĐ tiếp cận doanh nghiệp, đơn vị đào tạo để học nghề, tìm kiếm việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững. Từ đó, tạo động lực góp phần xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.
“Ngành sẽ chủ động tham mưu và phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ GQVL để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tạo niềm tin, động lực, góp phần xóa bỏ hủ tục. Triển khai các chương trình, kế hoạch về chính sách lao động, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên, góp phần ổn định xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển” – Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Sùng Đại Hùng khẳng định.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc