Đổi thay ở xã biên giới Bát Đại Sơn
BHG - Cách trung tâm huyện 28km về phía Đông Bắc, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) có không khí trong lành, mát mẻ và yên bình. Trong câu chuyện với cán bộ xã và nhiều hộ dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của một xã vùng cao biên giới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn cho chúng tôi biết: “Toàn xã có 9 thôn, với 7,4km đường biên giới, gồm 7 cột mốc, dân tộc Mông và Dao chiếm đa số. Hơn 10 năm trước, khi nhắc đến xã Bát Đại Sơn, ai cũng nghĩ tới mảnh đất nghèo khó. Đường sá đi lại hết sức khó khăn, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, sản xuất manh mún nhỏ lẻ... Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhân dân các dân tộc trong xã đã nỗ lực vươn lên, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh”.
Là xã vùng cao biên giới, xác định để kinh tế - xã hội địa phương phát triển thì nền quốc phòng – an ninh phải luôn ổn định. Cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; vận động nhân dân tham gia tố giác, phát giác tội phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Các lực lượng thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, chủ động bám sát địa bàn, nắm tình hình an ninh biên giới, tuần tra đường biên, cột mốc giới thuộc địa phận xã quản lý. Nhờ đó tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn đảm bảo, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Lãnh đạo xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) hướng dẫn người dân chăm sóc cây quýt. |
Để tạo được sự bứt phá mới, xã xây dựng kế hoạch hoạt động từng tháng, quý, năm. Đồng thời, khảo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những khó khăn mà nhân dân gặp phải; thường xuyên bám sát cơ sở tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… Cùng với đó, triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình đầu tư của Đảng, Nhà nước như: Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; các chương trình hỗ trợ cây, con giống… Từ năm 2023 đến nay, xã đã triển khai nhiều dự án duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp nhiều công trình, giao thông phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Điển hình như công trình đường bê tông từ ngã ba Pờ Chúa Lủng đến xóm Pờ Chúa Lủng; đường giao thông nông thôn từ điểm trường thôn Thào Chư Phìn đi xóm giáp Pải Chư Phìn; xây dựng chợ trung tâm xã…
“Các công trình được đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là giao thông. Từ khi có con đường bê tông hóa, người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối sản xuất với thị trường và tạo sự lưu thông hàng hóa giữa các vùng. Thời gian tới, xã Bát Đại Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đóng góp ngày công, hiến đất xây dựng các tuyến đường còn lại, phấn đấu 100% các tuyến đường giao thông nội đồng được bê tông hóa”. Đồng chí Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn cho biết thêm.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, xã đã tích cực hướng dẫn người dân đưa các loại cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có hơn 30 ha ngô, cây rau đậu 48 ha, cây dược liệu 183 ha. Tổng đàn trâu, bò hiện có 2.050 con, dê 110 con, đàn ong 183 tổ, lợn 1.983 con, ngựa 21 con…
Đến thăm gia đình anh Cư Mí Páo, thôn Mố Lùng, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi vườn cây ăn quả đủ các loại như: Cam, quýt, hồng, xoài, dứa… Anh Páo chia sẻ: “Sau khi được tham quan, học tập các mô hình kinh tế ở địa phương khác, tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả. Đây là năm thứ 3 các loại cây ăn quả cho thu hoạch. Hiện tại gia đình đang đầu tư trồng thêm cây dứa và giang, hy vọng sẽ phát triển tốt và sớm cho thu hoạch”.
Kinh tế phát triển tạo đà cho văn hóa, xã hội cùng phát triển, toàn xã có 3 trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Các trường học có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%... Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng chính sách… đạt nhiều kết quả tốt. Tỷ lệ sinh con tự nhiên cũng như tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm so với cùng kỳ.
Tạm biệt Bát Đại Sơn khi những tia nắng cuối ngày đã khuất trên triền núi, đi trên các tuyến đường bê tông nội bản, ghé thăm chợ Bát Đại Sơn được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, vẫn tấp nập cảnh người mua, người bán các đặc sản, nông sản do địa phương làm ra; ngắm nhìn những cánh rừng trải dài xanh mát, những ngôi nhà xây, mái ngói mọc lên san sát… Chúng tôi hiểu rằng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững, cùng góp sức xây dựng vùng biên cương ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Ý kiến bạn đọc