Chuyển biến rõ nét về đổi mới giáo dục
BHG - Tháng 8.2023, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục (CLGD).Tại hội nghị này, các cấp, ngành thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá cụ thể, khách quan thực trạng ngành Giáo dục, đề xuất giải pháp với phương châm “dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”. Ngay sau hội nghị, Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030” được ban hành, Ban Chỉ đạo nâng cao CLGD cấp tỉnh, huyện được thành lập, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp ngay từ năm học 2023 - 2024 và bước đầu đạt một số kết quả tích cực.
Năm học 2023 - 2024, căn cứ các mục tiêu của đề án, các địa phương, cơ sở giáo dục ban hành kế hoạch thực hiện theo từng năm và giai đoạn với các giải pháp cụ thể, phù hợp. Trong đó huy động, lồng ghép nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí trên 156,840 tỷ đồng. Toàn tỉnh tổ chức 928 hội nghị, hội thảo chuyên môn nâng cao CLGD với hơn 20.000 lượt cán bộ, giáo viên tham dự; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và phụ huynh về vị trí, vai trò, chủ trương, quan điểm phát triển và nâng cao CLGD của tỉnh.
Cô và trò Trường THCS Phong Quang (Vị Xuyên) trong giờ học. |
Tăng cường hợp đồng giáo viên; rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp, biệt phái, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều, điều động một số giáo viên Tiếng Anh đang giảng dạy tại cấp THCS kiêm nhiệm giảng dạy thêm tại các trường tiểu học; đề nghị các tỉnh hỗ trợ giảng dạy Tiếng Anh. Xây dựng dự thảo Nghị quyết, chính sách thu hút tuyển dụng, đãi ngộ đối với giáo viên môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật đến công tác ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Quan tâm, chăm lo phong trào khuyến học, khuyến tài; sắp xếp lại cơ sở giáo dục, chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính; tập huấn, nâng cao trình độ cho giáo viên. Các cơ sở giáo dục, giáo viên ký cam kết chất lượng theo từng lớp, từng môn, từng kỳ thi; có 557/623 cơ sở giáo dục đã tổ chức đánh giá, khảo sát chất lượng học sinh theo khối lớp nhằm nắm bắt, điều chỉnh, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để nâng cao CLGD cho từng đối tượng. Tăng cường hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương thông qua các hoạt động ngoại khóa phù hợp, hiệu quả. Tập trung ôn tập cho học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 815 cơ sở giáo dục, giảm 4 cơ sở giáo dục so với năm học trước; 1.259 điểm trường với 26.100 học sinh, giảm 128 điểm trường và giảm 39 lớp ghép so với năm học 2022 - 2023. Có 11 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; 10 trung tâm giáo dục kỹ năng sống; 4 trung tâm tư vấn dịch vụ du học; 2 trường mầm non tư thục. Tổng số 10.091 nhóm trẻ, lớp với trên 260.990 học sinh. Các huyện, thành phố thành lập 5 trường THCS trọng điểm về chất lượng giáo dục; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55,48%. Tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2030.
Giờ học môn tin học của học sinh trường THCS Tân Trịnh huyện Quang Bình. |
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tăng 276 người; có 93,13% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; toàn tỉnh đã ký hợp đồng được 193 giáo viên theo Nghị định 116, tuyển dụng được 367 viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập; có 25 sinh viên nhập học theo chế độ cử tuyển; 1.031 giáo viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng để dạy các môn học tích hợp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
So với thời điểm thực hiện đề án, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 64,1% lên 66,04%; phòng học tạm giảm 2,24%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng 4,42%, kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia tăng 15 giải, thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tăng 1 giải; 100% trẻ em dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt; chất lượng giáo dục phổ thông trong học kỳ I, năm học 2023 - 2024 chuyển biến tích cực, đảm bảo thực chất, trong đó tỷ lệ học sinh giỏi, khá cấp trung học giảm, phản ánh rõ quyết tâm học thật, thi thật, không thành tích; kết quả học sinh kém giảm 0,06%. Tổng số học sinh hoàn thành chương trình môn học, chương trình rèn luyện học kỳ I đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi THCS, THPT cấp tỉnh tăng.
Để nâng cao CLGD, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên, với quyết tâm đổi mới và hành động quyết liệt vì một nền giáo dục thực chất, không thành tích đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân, chúng ta kỳ vọng các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030” sẽ “về đích” đúng hẹn.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc