Chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
BHG - Thời tiết thay đổi bất thường, nền nhiệt cao như hiện nay là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do vậy, các ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng và chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
Là hộ chăn nuôi với quy mô lớn, từ 2.000 con gà/lứa nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm được gia đình anh Vương Văn Sơn, thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) đặc biệt quan tâm. Anh Sơn cho biết: Thời tiết giao mùa, nắng nóng như hiện nay, đàn gà rất dễ xuất hiện các dịch bệnh, do vậy trong quá trình chăn nuôi, tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ xung quanh khu vực chuồng nuôi để hạn chế tối đa mầm bệnh. Tăng cường vệ sinh, giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô ráo. Xử lý chất thải bằng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện tiêm vắc xin cho gà đúng lịch, đủ liều; thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con gà bị ốm để cách ly, điều trị.
Cán bộ xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh trên vật nuôi. |
Gia đình ông Phàn Sào Thìn, thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) chăn nuôi lợn thương phẩm với tổng đàn duy trì từ 50 con trở lên, được sự tuyên truyền của chính quyền và cán bộ thú y, gia đình ông chú trọng hơn đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Hiện nay, lợn thương phẩm đang được giá cao nên để bảo vệ đàn vật nuôi, gia đình ông chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh như thương hàn, bệnh tả lợn châu Phi, bệnh đường hô hấp... Ông Thìn chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên kiểm tra chuồng trại, tu sửa, tránh để ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh; chú trọng vệ sinh máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi. Thực hiện phun tiêu độc, khử trùng định kỳ. Tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt và khỏe mạnh. Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi để phát hiện sớm những bất thường trên đàn lợn như uể oải, kém ăn, sau đó cách ly và có biện pháp xử lý kịp thời.
Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm, ngành chuyên môn của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai tiêm phòng trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Trong đó, tổng số trâu, bò cần tiêm phòng là 263.479 con, lợn 587.303 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện tiêm phòng các bệnh như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dại, tụ huyết trùng trên trâu, bò; tả lợn, cúm gia cầm, Niu-cát-xơn và các bệnh nguy hiểm khác cho đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh công tác công tác thông tin, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi quản lý, cách ly, xử lý, chăm sóc khi có vật nuôi mắc bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đẩy mạnh phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm từ động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định.
Thực tế cho thấy, để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao nhất, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin đầy đủ; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường... Qua đó, đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn định, bền vững, đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc