Vị Xuyên nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
BHG - Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (TĐCQG) là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Những năm qua, huyện Vị Xuyên tích cực huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng tỷ lệ TĐCQG trên địa bàn đạt 63,5%.
Được xây dựng từ năm 2004, Trường THCS Ngọc Linh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác giảng dạy khi cơ sở vất chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên đều thiếu, tỷ lệ huy động học sinh đến trường chưa cao; nhưng với sự quan tâm của chính quyền và quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, đặc biệt là thực hiện kế hoạch xây dựng TĐCQG, Trường THCS Ngọc Linh chú trọng đổi mới phương pháp dạy, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống các dân tộc cho học sinh, qua đó đạt nhiều kết quả nổi bật: Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Ngọc Linh có 10 lớp với 350 học sinh, 27 cán bộ, giáo viên, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ theo quy định. Trường có đầy đủ phòng lớp học, phòng chức năng, phòng hành chính và các hạng mục khác phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập; có 7 học sinh giỏi cấp huyện, 1 học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều thành tích nổi bật khác. Tháng 3.2024 vừa qua, Trường THCS Ngọc Linh vinh dự được đón bằng công nhận TĐCQG mức độ 1, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong công tác dạy và học ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này.
Trường THCS Ngọc Linh đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. |
Với rất nhiều tiêu chí đánh giá, việc giữ vững danh hiệu TĐCQG cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi các nhà trường phải không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt nâng cao chất lượng giáo dục. Sau 3 năm được công nhận đạt chuẩn, thầy và trò Trường THCS Phong Quang vẫn luôn nỗ lực, miệt mài “gieo chữ”. Hiệu trưởng Trường THCS Phong Quang Ngô Thúy Minh chia sẻ: “Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 208 học sinh và 20 cán bộ, giáo viên; 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn đào tạo; để giữ vững danh hiệu TĐCQG, đảm bảo các điều điện để công nhận lại sau 5 năm, nhà trường chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 96% trở lên, chuyển cấp đạt 97,3% trở lên. Trường có 4 em đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, 1 học sinh giỏi cấp tỉnh; 2 giáo viên đạt giải Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mền dạy học”.
Toàn huyện Vị Xuyên có 81 trường học với trên 27.700 học sinh và trên 2.000 cán bộ, giáo viên. Cụ thể hóa Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, huyện Vị Xuyên ban hành kế hoạch xây dựng TĐCQG đến năm 2025 với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao nhận thức cho 100% cán bộ, giáo viên; huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giảng dạy; rà soát các tiêu chí, hạng mục của các trường học để tập trung đầu tư, hoàn thiện; tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học; huy động xã hội hóa giáo dục được trên 36 tỷ đồng. Qua đó, năm học 2023 - 2024, trên địa bàn huyện có thêm 7 trường được công nhận TĐCQG gồm: THCS Phú Linh, THCS Kim Thạch, Tiểu học Tân Trào, Tiểu học A Ngọc Linh, PTDT Bán trú Tiểu học Thanh Thủy, THCS Ngọc Linh, Mầm non Quảng Ngần, nâng tổng số trường học đạt TĐCQG trên địa bàn huyện lên 47/74 trường, đạt 63,5%. Có 10/24 xã, thị trấn 100% các trường học đều đạt chuẩn quốc gia và có 7 TĐCQG gia mức độ 2.
Cô và trò Trường THCS Phong Quang trong giờ học. |
Việc xây dựng TĐCQG góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục: Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99.67%, trẻ 6 -14 tuổi đến trường đạt 99,93%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 96,1%; huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 2.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng TĐCQG còn nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư còn hạn chế; cơ sở vật chất thiếu, xuống cấp; trang thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng yêu cầu; diện tích đất của một số trường chật hẹp; thiếu giáo viên theo định mức; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ riêng của các nhà trường. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục công nhận mới 5 trường và công nhận lại 7 TĐCQG, huyện Vị Xuyên đang tập trung tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy; huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc