Huy động tổng thể nguồn lực phát triển giáo dục mầm non
BHG - Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban về “đổi mới phát triển GDMN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 4.4 vừa qua.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển GDMN. Nhờ đó, GDMN đạt những kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới cơ sở GDMN phát triển rộng khắp, đến tất cả các xã phường, thôn bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Hằng năm, cả nước có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 82,2%... Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy GDMN phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Các chính sách của Chính phủ, như tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ trẻ mầm non là con em công nhân... đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng GDMN.
Giờ học của cô trò Trường Mầm non Túng Sán (Hoàng Su Phì). Ảnh: PV |
Nhìn lại thành quả giáo dục tỉnh nhà cho thấy, dù còn rất nhiều khó khăn, nhiều mục tiêu cần ưu tiên, nhưng tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” luôn được cả hệ thống chính trị coi trọng. Hiện nay, quy mô mạng lưới trường, lớp mầm non tiếp tục được rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn. Toàn tỉnh hiện có 211 trường mầm non, trong đó có 2 trường mầm non tư thục; 22 nhóm trẻ độc lập tư thục; có 3.151 nhóm, lớp; huy động được 68.387 trẻ ra lớp. 1.206 điểm có trẻ mầm non, tiểu học đang học. Kết thúc học kỳ I năm học 2023-2024, tỉ lệ huy động trẻ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 28,89% (tăng 0,89% so với cùng kỳ năm học 2022-2023); trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 97,88%; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,77%. Tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh có 5.285 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non trong biên chế; trình độ đội ngũ này không ngừng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó: Thạc sỹ 8 người, đại học 4.394 người, cao đẳng 670 người, trung cấp 202 người...
Những năm gần đây, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được quan tâm; 100% các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các điều kiện thực hiện tốt Chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh, sạch đẹp - an toàn - thân thiện”; tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN”, chương trình “Tôi yêu Việt Nam”; chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; trẻ em dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường Tiếng Việt, nhất là trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.
Tại phiên họp của Ủy ban về “đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng chỉ rõ: Giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Với quan điểm xuyên suốt: Con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nguồn vốn quý nhất, yếu tố quyết định là con người. Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đào tạo nói chung, GDMN nói riêng vẫn còn những hạn chế cần được sớm khắc phục; còn những khó khăn, thách thức trước mắt cần sự nỗ lực lớn để vượt qua.
Giờ học văn nghệ của cô và trò trường Mầm non thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Ảnh: PV |
Đơn cử như tại tỉnh ta, mặc dù ngành Giáo dục đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp khắc phục nhưng đến nay tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn ở mức cao; số cán bộ quản lý, giáo viên thiếu theo định mức 1.114 người, thiếu theo được giao 216 người. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học tỉ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học đổi mới chương trình giáo dục; còn nhiều điểm trường khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, thiếu tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho trẻ và thiết bị đồ chơi ngoài trời. Một số trường thiếu giáo viên đã ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp cũng như chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Một số địa phương tỉ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, đặc biệt trẻ 0-2 tuổi, như: Mèo Vạc 2,82%, Vị Xuyên 16,40%, Đồng Văn 25,50%, Bắc Mê 21,98%, Yên Minh 25,26%. Số lượng công chức làm chuyên môn mầm non Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố còn thiếu; chủ yếu là giáo viên, cán bộ quản lý được biệt phái dẫn đến thiếu ổn định, khó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chuyên môn ở cơ sở. Tổ chức quản lý, quản trị nhà trường của một số Hiệu trưởng, tổ chức các hoạt động giáo dục và chăm sóc, nuôi dưỡng của giáo viên trên lớp, tổ chức chuyên đề, sử dụng đồ dùng dạy học còn hình thức, chưa mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy học mới. Học sinh vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế về ngôn ngữ; việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Từ thực tế trên, ngành chuyên môn của tỉnh đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng GDMN, như: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giai đoạn 2023-2030. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; kế hoạch phát triển GDMN; chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới. Huy động nguồn lực, ưu tiên đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số; học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh con em gia đình chính sách; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ban hành chính sách dạy tăng cường Tiếng Việt đối với giáo viên mầm non dạy tại trường chính; có chính sách hỗ trợ học sinh các xã khó khăn, vùng III khi đạt chuẩn Nông thôn mới.
Cũng tại phiên họp của Ủy ban về “đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có GDMN, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, với tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tổng thể, bao trùm, có tính toàn dân, toàn diện, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để xử lý, giải quyết các điểm nghẽn, hạn chế của GDMN về nhân lực; cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho GDMN, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề xã hội hoá, kêu gọi sự đóng góp của người dân; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực GDMN.
Những trăn trở, chỉ đạo giải quyết của người đứng đầu Chính phủ là làn gió mới đối với GDMN cả nước và kỳ vọng những lứa tuổi đầu đời trên địa bàn tỉnh ta sẽ được tiếp cận với điều kiện học tập, rèn luyện tốt hơn.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc