Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024)
Bao năm kháng chiến mới tới được ngày vui!
BHG - Những ngày này, cả đất nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử 7.5.1954 – 2024. Chúng tôi có dịp đến thăm những cựu chiến binh đã trải qua những ngày tháng gian khổ, hy sinh, “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” ở Điện Biên Phủ. Rất nhiều ký ức xúc động về một thời áo trấn thủ của những người lính cụ Hồ đã được các cụ kể lại. Ai cũng thể hiện niềm vinh dự, tự hào được tham gia một trong những chiến dịch tấn công vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.
Trọn vẹn 56 ngày đêm ở Chiến dịch Điện Biên Phủ
Với sự chỉ dẫn của lãnh đạo Hội CCB thành phố Hà Giang, chúng tôi đã tìm đến nhà CCB Dương Văn Nhọn, năm nay đã hơn 90 tuổi, ở tổ 4, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang. Gia đình cụ Nhọn cho chúng tôi biết, muốn nói chuyện với cụ phải nói thật to hoặc ghé sát tai cụ mới nghe thấy. Biết chúng tôi đến hỏi chuyện Điện Biên Phủ, cụ Nhọn mừng lắm, cụ kể năm 1950 từ miền quê Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cụ xung phong đi bộ đội và là chiến sỹ của Đại đoàn 308. Trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ cùng Đại đoàn 308 tham gia Chiến dịch Thượng Lào. Sau chiến thắng, Đại đoàn tiếp tục nhận lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cụ Nhọn cùng các đồng đội trải qua 56 ngày đêm chiến dịch lịch sử này. Ngày 6 tháng Giêng 1954, đơn vị của cụ Nhọn về đến Điện Biên để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công, chẳng may bị địch phát hiện cho máy bay ném bom khiến khoảng một trung đội hy sinh.
Cựu chiến binh Dương Văn Nhọn, tổ 4, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) vẫn nhớ như in những ký ức 56 ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Ảnh: PN |
Bước vào 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 của cụ Nhọn và Đại đoàn 312, 316 là những cánh quân chủ lực với nhiều trận đánh quan trọng, trong đó có vòng vây cuối cùng siết chặt gọng kìm trung tâm lòng chảo Mường Thanh, nơi có sở chỉ huy của địch. Cụ Nhọn kể lại, có một điều quân Pháp không ngờ tới ở Điện Biên Phủ, đó là pháo của quân ta. Những khẩu pháo 105 li của ta có thể bé hơn pháo 155 li của Pháp, nhưng ở những vị trí bất ngờ đã dội vào trận địa pháo và sở chỉ huy của địch khiến chúng bị động, mất tinh thần chiến đấu. Hỏa lực pháo cũng giúp cho bộ binh ta có lực tấn công áp sát quân địch. Những ngày cuối chiến dịch, thương vong cả hai bên khá nhiều, nhưng địch thương vong nhiều hơn. Pháo sáng của quân Pháp sáng rực các đêm, đồng thời thả rất nhiều dù tiếp tế rơi trắng cánh đồng Mường Thanh, chúng không ngờ sự tiếp tế đó lại chính là sự tiếp tế cho ta. Cụ Nhọn kể tiếp, những chiến lợi phẩm gồm rất nhiều đồ ăn ngon như thịt hộp, cà phê, thuốc lá…được quân ta tịch thu như khích lệ tăng tinh thần chiến đấu của anh em chiến sỹ.
Sau những trận đánh quan trọng ở phân khu phía Bắc Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 cùng các đại đoàn khác khép vòng vây phân khu trung tâm. CCB Dương Văn Nhọn kể, chiều 7.5 trước vòng vây chặt của các mũi tiến công quân ta, địch ùn ùn kéo ra hàng, tên thì cầm cờ trắng có cán, tên không có thì cầm mảnh dù trắng xin hàng, tất cả lũ lượt cúi đầu. Trong thời khắc này, tướng De Castries và bộ sậu đầu hàng bị quân ta dẫn giải từ hầm chỉ huy ra ngoài. Khác với những hàng binh khác, tướng De Castries và bộ sậu lập tức được bộ đội ta đưa đi ngay. Ngày 8.5, đơn vị của cụ Nhọn và một số đơn vị mũi nhọn khác được Bộ Tổng Tư lệnh cho nghỉ ngơi một ngày để lấy sức. Các đơn vị khác tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu dọn chiến trường và áp giải hơn 1 vạn tù binh Pháp đi các địa phương hậu cứ của ta.
Sau 13 năm trong quân ngũ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó vào Nam chiến đấu chống Mỹ, năm 1963 cụ Nhọn được chuyển ngành, tham gia công tác tại thị xã Hà Giang. Cụ từng tham gia 5 khóa đại biểu HĐND thị xã và 2 khóa làm Phó chủ tịch UBND thị xã Hà Giang, đến 1985 cụ nghỉ hưu. Cụ kể, chiến thắng Điện Biên Phủ có tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam mất, cụ vinh dự tham gia cùng đoàn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đi viếng cụ Giáp.
Bao năm kháng chiến mới tới được ngày vui này!
Cựu chiến binh Nguyễn Đăng, tổ 10, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) đã 97 tuổi, nhưng vẫn đọc được sách, báo, cụ rất tự hào mỗi khi được hỏi chuyện về Điện Biên năm xưa. |
Năm 1947, từ miền quê Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ, CCB Nguyễn Đăng 97 tuổi, (hiện trú tại tổ 10, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) đã tạm biệt người vợ trẻ mới cưới lên đường nhập ngũ. Tháng 12.1953, Tiểu đoàn 564 thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 của cụ Đăng vượt bến sông Âu Lâu, Yên Bái để tiến lên mặt trận Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm, người lính quân y Nguyễn Đăng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ cứu thương. Những ngày tháng gian khó, hy sinh không kể hết, CCB Nguyễn Đăng kể, quân pháp biết bị bao vây ở lòng chảo Mường Thanh chúng bắn rất nhiều pháo ra xung quanh nơi đơn vị ông và các đơn vị quân ta đang áp sát nhằm để giải tỏa áp lực. Đi đến trận đánh cuối cùng, Tiểu đoàn 564 của ông hy sinh khá nhiều, chỉ còn hơn 100 người. Giờ phút quân địch lũ lượt chui từ hầm hào ra xin hàng, ai cũng vui sướng tột độ, tối đó mừng quá đến nỗi không ai ăn được cơm bởi sau bao năm kháng chiến mới tới được ngày vui này, chiến thắng quá vĩ đại.
Ngay ngày hôm sau, 40 cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 564 trong đó có CCB Nguyễn Đăng được giao nhiệm vụ dẫn giải 300 hàng binh Âu Phi vượt rừng từ Điện Biên hướng sang Tuyên Quang. Những tên lính Âu Phi rất to khỏe, nhưng khi đã làng hàng binh lại rất ngoan, không tên nào dám bỏ trốn vì bốn bề là rừng núi. CCB Nguyễn Đăng kể, quân ta đối xử với tù binh rất nhân đạo, hành trình dẫn giải chúng sang Tuyên Quang, ta có mổ 2 con trâu cho họ ăn, cơm của hàng binh thậm chí còn ngon hơn của bộ đội ta. Sau gần 10 ngày, đoàn dẫn giải mới tới được trạm tù binh ở Tuyên Quang để bàn giao.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, sau nhiều năm đi chiến dịch, năm 1954 ông Nguyễn Đăng có dịp may mắn được về thăm nhà khi đơn vị ông có nhiệm vụ ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ quê ông. Tranh thủ một đêm, ông được về thăm bố mẹ và vợ con, nhưng khi về đến nhà, vợ ông vẫn chưa về vì đang tham gia dân công ở Lai Châu - CCB Nguyễn Đăng xúc động kể, phía sau những năm tháng ông đi biền biệt là người vợ chịu thương, chịu khó, không bao giờ kêu khổ.
Bài, ảnh: HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc