Triển khai linh hoạt tài liệu tuyên truyền bài trừ, xóa bỏ hủ tục
BHG - Là địa phương đầu tiên trong cả nước xuất bản, đưa vào sử dụng bộ tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục ở bốn cấp học trên địa bàn toàn tỉnh. Để truyền tải nội dung cuốn tài liệu hiệu quả, quá trình thực hiện các trường học đều triển khai linh hoạt từ giảng dạy đến thực hành.
Bộ tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục gồm 4 cuốn tương ứng với 4 cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Nội dung tài liệu bám sát chương trình đổi mới giáo dục 2018, Nghị quyết 27 với một số chủ để nổi bật như: Tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống; bài trừ hủ tục trong tang ma; biến tướng của tục bắt vợ; phân loại rác thải tại nguồn... Thông qua tài liệu, giáo viên sẽ dễ dàng đưa ra được định hướng cụ thể khi giảng dạy, dẫn dắt học sinh trở thành lực lượng xung kích, tiên phong trên hành trình bài trừ hủ tục, bảo tồn và phát huy tối đa những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Cụ thể hoá nội dung tài liệu ở từng cấp học, từng đơn vị trường học sẽ có cách làm khác nhau. Thầy Đặng Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Xuân Giang, xã Xuân Giang (Quang Bình) chia sẻ: Đặc thù là trường học liên cấp nên việc triển khai nội dung trong tài liệu luôn được nhà trường chú trọng, tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra kế hoạch thực hiện cụ thể. Đối với từng cấp học, nhà trường xây dựng cách làm phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của học sinh; cấp tài liệu cho giáo viên để các thầy, cô giáo nghiên cứu nội dung, lồng ghép vào từng môn học, giờ học làm sao giúp các em cảm thấy cuốn hút và cùng tham gia thảo luận.
Học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học và THCS Xuân Giang chăm chú xem video bài trừ hủ tục trong hoạt động trải nghiệm. |
Với cách làm trên, cấp Tiểu học nhà trường phát triển văn hóa đọc thông qua những câu chuyện hay, bổ ích, có cả nội dung bài trừ hủ tục lạc hậu do giáo viên chủ nhiệm và lớp chọn nội dung trong thời gian 15 phút đầu giờ; xây dựng giờ học trải nghiệm để học sinh cùng tìm hiểu về các chủ đề trong cuốn tài liệu; tổ chức bộ môn Giáo dục địa phương đưa học sinh tham quan tại các làng văn hóa trong xã, để học sinh tham gia trực tiếp vào hoạt động tìm hiểu nét đẹp văn hóa của dân tộc địa phương, hướng dẫn học sinh hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh tại nơi công cộng, thu gom rác thải. Đối với THCS, một số bộ môn như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Sinh học... được các thầy, cô giáo lồng ghép nội dung trong tài liệu vào từng bài học cụ thể; duy trì hoạt động sinh hoạt dưới cờ theo chủ điểm tuần, tháng để học sinh thể hiện nét đẹp văn hóa, rèn kỹ năng sống; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm với các câu hỏi liên quan đến bài trừ hủ tục, văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh để học sinh cùng tìm hiểu... Cách làm này đã, đang đem lại hiệu quả trong nhận thức của học sinh.
Em Hoàng Vân Khánh, học sinh lớp 9A1 Trường Tiểu học và THCS Xuân Giang tâm sự: Thông qua những bài giảng về bài trừ hủ tục ở nhiều môn học mà các thầy, cô giảng dạy trên lớp, các cuộc thi trắc nghiệm về chủ đề này mà nhà trường tổ chức em cảm nhận được rất rõ vai trò, trách nhiệm của giới trẻ chúng em trong việc cần biết bài trừ đi cái xấu và gìn giữ lấy những nét đẹp của văn hóa dân tộc. Qua các bài giảng, nhận thức của bản thân thì em cũng tự tin hơn trong việc trao đổi với ông bà, cha mẹ em về xóa bỏ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thế Bình cho biết: Ngay khi ban hành quyết định đưa tài liệu vào giảng dạy, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, vận dụng bộ tài liệu ở từng cấp học; tổ chức tập huấn cho giáo viên; thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện. Đặc biệt, liên hoan dân ca, dân vũ học sinh phổ thông cấp tỉnh tổ chức tháng 11.2023 là một trong những hoạt động cụ thể để kiểm tra kết quả và vận dụng bộ tài liệu trong giảng dạy ở các trường học; thành công đó phản ánh rõ việc nghiêm túc thực hiện ở từng địa phương.
Nội dung trong tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục rất thiết thực và cần thiết để thay đổi nhận thức của giới trẻ ngay trên ghế nhà trường. Bởi vậy, để học sinh không cảm thấy nhàm chán khi nói về chủ đề này cần sự sáng tạo ở mỗi thầy, cô giáo và nhà trường. Làm tốt công tác giảng dạy bài trừ hủ tục, chính là cơ sở để người dân nhanh chóng thay đổi nhận thức và cùng chung tay xây dựng xã hội văn minh.
Bài, ảnh: Hồng Nhung
Ý kiến bạn đọc