“Trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, học sinh là anh em”
BHG - Vượt quãng đường dài trên 20 km gập ghềnh, sạt lở khó đi, sau hơn 1 tiếng từ Quốc lộ 2 vào đến trung tâm xã Thượng Sơn (Vị Xuyên), anh em phóng viên chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến Sỹ dẫn đến tìm hiểu hệ thống trường PTDT bán trú của xã. Bước chân vào 2 Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn và Trường PTDT bán trú Tiểu học Thượng Sơn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là sự gọn gàng và chuẩn mực của môi trường giáo dục nơi đây.
Mở rộng sự quan sát ở các trường học nơi đây, từ phòng ngủ, nhà ăn, đến khu vực lớp học cũng như khuôn viên của cả 2 trường, nơi nào cũng có dấu ấn của sự chăm chút chuyên cần, không hề kém doanh trại của các đơn vị quân đội mà tôi cũng đã nhiều lần đến tham quan tìm hiều về môi trường sáng, xanh, sạch đẹp. Nhưng điều khiến tôi quan tâm hơn khi đến Trường PTDT bán trú Tiểu học Thượng Sơn đó là câu khẩu hiệu phía sau cổng chính “Trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, học sinh là anh em”, câu khẩu hiệu này đã cuốn hút tôi tìm hiểu sâu nội dung bên trong của nó.
Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn trau dồi kiến thức sau giờ học trên lớp. |
Được biết, năm học này Trường PTDT bán trú Tiểu học Thượng Sơn có 263 học sinh; Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn có 427 học sinh, là con em 8 dân tộc cư trú trên địa bàn. Trong đó học sinh dân tộc Dao chiếm đa số trên 60% và học sinh người dân tộc thiểu số Cờ Lao chiếm tỷ lệ 2%. Đặc biệt, Trường PTDT bán trú Tiểu học có 233 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học theo diện lưu trú; Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn có 253 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 học theo diện lưu trú tại trường. Các em học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học đến trường vào thời điểm 16 đến 17 giờ ngày Chủ nhật và rời trường sau bữa trưa ngày thứ 6 hàng tuần; học sinh Trường PTDT bán trú THCS đến trường cũng từ 16 đến 17 giờ ngày Chủ nhật và rời trường sau bữa trưa ngày thứ 7 hàng tuần. Nếu “học bán trú” được hiểu là hình thức học sinh đến trường vào buổi sáng, sau đó ở lại trường ăn, nghỉ vào buổi trưa dưới sự quản lý của giáo viên hoặc quản sinh, sau đó tiếp tục học tập và rèn luyện vào buổi chiều, kết thúc giờ học buổi chiều học sinh sẽ được phụ huynh đón về nhà. Thì định nghĩa “bán trú” tại các trường PTDT bán trú chưa sát với thực tế cho lắm, vì ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Thượng Sơn, học sinh học tập và sinh hoạt tại trường 5/7 ngày một tuần; còn ở Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn là 6/7 ngày một tuần.
Giờ ăn bán trú của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Thượng Sơn. |
Nói về vấn đề chăm lo cho hàng trăm học sinh ăn học tại trường là cả “một núi” công việc cần giải quyết hàng ngày của tập thể các thầy, cô. Nhất là vào thời điểm khai giảng năm học mới, chỉ riêng với học sinh khối lớp 1 nhập học, lần đầu phải ngủ xa nhà, xa cha mẹ, còn nhiều bỡ ngỡ trong quá trình giao tiếp bằng tiếng phổ thông giữa cô và trò, nhất là vào thời điểm đêm khuya các em thức giấc nhớ cha mẹ. Để giải quyết hiệu quả những tình huống này, các thầy, cô ngoài việc tăng cường giáo viên trực quản lý học sinh, đã tìm hiểu mối quan hệ giữa các em để bố trí cho các em học sinh lớp 1 ngủ ghép với các anh chị lớp lớn là anh em họ hàng đã quen nhau từ trước, để cùng các thầy, cô quản lý, dỗ dành, chăm bẵm các em. Rồi dần dần uốn nắn, hướng dẫn các em hoàn thiện các bước để có thể tự chủ trong sinh hoạt tại trường.
Cô giáo Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn Đặng Thị Hồng Nhung, cho biết: Để quản lý tốt 253 em học hành, sinh hoạt tập trung tại trường với với gian 24h/24h và 6/7 ngày một tuần tại địa bàn một xã vùng cao, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn có biết bao điều luôn được tập thể các thầy, cô lưu tâm cần mẫn thực hiện hàng ngày, hàng giờ. Từ chuyện chăm lo cho các con ăn no, ăn ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm; chuyện chăm lo cho các con ốm đau lúc trái gió trở trời, đến việc chủ động trong phòng, chống dịch bệnh; chuyện quản lý học sinh ở độ tuổi “ẩm ương” ở môi trường sinh hoạt tập trung; chuyện lo cho các con có giấc ngủ ngon những ngày oi bức cũng như những ngày Đông buốt giá; chuyện thi đua dạy tốt, học tốt…
Một loạt vấn đề nêu trên, vấn đề nào cũng được tập thể Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng những kịch bản giải quyết sát hợp với thực tiễn. Từ việc quy hoạch khuôn viên nhà trường, nhà lưu trú sao phù hợp với môi trường học hành và vui chơi của học sinh, trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí đầu tư; việc phân chia khu lưu trú học sinh nam và nữ thành hai khu; việc quản lý điện thoại của học sinh, cũng như việc bầu trưởng phòng, tổ trưởng trong các nhóm lớp của học sinh lưu trú, để phối hợp cùng các thầy cô quản lý nội vụ hàng ngày.
Được trải nghiệm thực tế cùng các thầy, cô 2 trường PTDT bán trú xã Thượng Sơn, nghe chuyện nửa đêm đưa học sinh đi cấp cứu, chuyện huy động thầy cô cả trường tìm học sinh trốn đi chơi, chuyện khó khăn trong quá trình giữ mối liên hệ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, vì khá nhiều học sinh có hoàn cảnh cha mẹ đi làm ăn xa nhà… tôi mới thấy hết giá trị của câu khẩu hiệu “Trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, học sinh là anh em”.
Bài, ảnh: ĐỨC DŨNG - THANH THỦY
Ý kiến bạn đọc