Phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc: Kỳ I: Kết quả nổi bật của HĐND các cấp sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài trên 277,56 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc. Với diện tích đất tự nhiên là 7.900 km2, là nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, La Chí, Phù Lá, Pà Thẻn và một số dân tộc ít người khác. Do địa hình bị chia cắt mạnh, chủ yếu là đồi núi đá vôi, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.
Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, với ý chí tự lực tự cường, quyết tâm phấn đấu vươn lên “sống trên đá thoát nghèo trên đá”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang bám sát chỉ thị, nghị quyết của Đảng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó xác định nhiệm vụ chủ yếu xây dựng chính quyền là “Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường công tác giám sát, tái giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước”.
Bám sát các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn hoạt động, HĐND các cấp nói chung, HĐND tỉnh Hà Giang nói riêng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, khẳng định tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên.
Phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp
Với mục tiêu: “Xây dựng HĐND các cấp tỉnh Hà Giang vững mạnh toàn diện, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang nói riêng, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nói chung đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương theo nghị quyết của cấp ủy tỉnh và quy định của pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, năng lực của đại biểu HĐND, tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động của HĐND; giảm thời gian báo cáo, tờ trình tại các kỳ họp, tăng thời lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND và các điều kiện đảm bảo để HĐND hoạt động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.
Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang khảo sát việc giải ngân vốn hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Yên Định huyện Bắc Mê. |
Đặc biệt HĐND các cấp đã phát huy vai trò, chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, việc thực hiện nghị quyết của HĐND, giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương. Góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát huy tiềm năng lợi thế, xây dựng con người và nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, xứng đáng là “phên dậu” của Tổ quốc.
Theo bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang cho biết: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hình thành và đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong việc xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, giúp cho hoạt động giám sát của HĐND được phát huy hiệu quả cao hơn, tạo thuận lợi cho HĐND các cấp trong quá trình tiến hành giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên giám sát kết quả thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Quang Bình. |
Kết quả cho thấy, sau 7 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát, HĐND các cấp tỉnh Hà Giang cho thấy: HĐND các cấp đã xây dựng và ban hành được 1.436 nghị quyết chương trình giám sát (trong đó, HĐND tỉnh xây dựng, ban hành 08 nghị quyết, các huyện, thành phố ban hành được 77 nghị quyết, các xã, phường, thị trấn ban hành được 1.351 nghị quyết). Việc lựa chọn, quyết định chương trình giám sát hàng năm của HĐND luôn được cân nhắc, xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian tổ chức giám sát, đơn vị chịu giám sát với các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Trên cơ sở chương trình giám sát được thông qua, Thường trực HĐND thực hiện các nội dung trong chương trình; giao các Ban HĐND thực hiện một số nội dung thuộc chương trình và báo cáo kết quả với Thường trực HĐND khi cần thiết.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát tại kỳ họp
Thực hiện Điều 59 Luật Hoạt động giám sát, tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm, HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng giám sát thông qua việc xem xét gần 14.659 báo cáo trình kỳ họp thuộc thẩm quyền. Các báo cáo trình kỳ họp đã đánh giá rõ ràng, chính xác tình hình kết quả thực hiện, có số liệu cụ thể chứng minh và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Để chủ động và nâng cao chất lượng các văn bản trình Kỳ họp, Thường trực HĐND các cấp đã phân công nhiệm vụ thẩm tra cho các Ban HĐND theo lĩnh vực phụ trách. Từ đó, các Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thẩm tra và phối hợp với các Ban khác thẩm tra những nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực. Từ năm 2016 đến nay, các Ban HĐND đã tổ chức thẩm tra được trên 17.700 văn bản, trong đó, các Ban HĐND tỉnh thực hiện thẩm tra được trên 1.305 văn bản, cấp huyện 1.540 văn bản, cấp xã 14.861 văn bản.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: Thẩm tra các báo cáo là một trong những hoạt động giám sát của các Ban HĐND, là nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các Ban HĐND nhằm đánh giá hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở địa phương, phân tích những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp cụ thể với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan tư pháp, cung cấp thông tin quan trọng cho các đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Để báo cáo thẩm tra của Ban có chiều sâu và đầy đủ căn cứ pháp lý, thể hiện rõ quan điểm của Ban, cung cấp thông tin quan trọng để Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận tại kỳ họp, ngoài việc tập trung nghiên cứu kỹ các báo cáo, các văn bản liên quan, Ban còn tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở để nắm bắt và thu thập thêm thông tin để có cơ sở thực tiễn phục vụ cho quá trình thẩm tra của Ban đảm bảo khách quan, toàn diện. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm tra các báo cáo của các Ban HĐND nói chung, Ban Pháp chế nói riêng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giám sát tại kỳ họp HĐND.
Điểm đổi mới tại các kỳ họp HĐND các cấp, chủ tọa đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ, tại Hội trường về các báo cáo, dự thảo nghị quyết nhất là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để cùng thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện.
Việc nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng được HĐND các cấp tỉnh Hà Giang quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát, khảo sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương được xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm để đăng ký nội dung câu hỏi chất vấn và người trả lời chất vấn. Qua các kỳ họp thường lệ, HĐND các cấp đã tổ chức được 440 phiên chất vấn và trả lời chất vấn (trong đó HĐND tỉnh tổ chức 13 phiên; HĐND huyện tổ chức được 40 phiên; HĐND xã tổ chức được 386 phiên). Kết thúc kỳ họp, HĐND đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để làm cơ sở theo dõi, giám sát kết quả thực hiện theo quy định.
Đại biểu Hầu Thị Phương chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh. |
Theo đại biểu HĐND tỉnh Hầu Thị Phương đơn vị huyện Mèo Vạc chia sẻ: Với vai trò là người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, trong quá trình công tác và hoạt động tại cơ sở, qua tiếp xúc cử tri, giám sát thực tế thấy những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong nhân dân, thay mặt cử tri tôi sẽ chủ động thu thập tài liệu, nghiên cứu văn bản, quay các hình ảnh, video và đăng ký câu hỏi chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, huyện để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và giải pháp thực hiện.
Qua theo dõi trực tiếp trên sóng truyền hình, cử tri Trương Xuân Mão, tổ 20, Phường Minh Khai, thành phố Hà Giang đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu HĐND các cấp, nhất là đại biểu HĐND tỉnh trong việc chủ động nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, chuẩn bị nội dung câu hỏi chất vấn, có hình ảnh và video minh họa cụ thể, nhiều đại biểu dám chất vấn đến cùng. Đối với lãnh đạo sở ngành cũng đã thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, trách nhiệm, không vòng vo né tránh như trước, đưa ra các giải pháp cụ thể và cam kết khắc phục trong thời gian tới góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề
Bên cạnh đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề được Thường trực, các Ban HĐND thực hiện hiệu quả, chất lượng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Kết quả, Thường trực, các Ban HĐND các cấp đã thực hiện gần 1.070 cuộc (trong đó cấp tỉnh thực hiện được 25 cuộc, cấp huyện thực hiện 77 cuộc, cấp xã thực hiện 965 cuộc). Các nội dung giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững; việc quy hoạch đối với các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị; về bảo vệ môi trường; xử lý rác thải; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh theo các nghị quyết của HĐND tỉnh…
Ngoài ra, Thường trực HĐND các cấp quan tâm tổ chức tái giám sát những nội dung chậm được giải quyết, tăng cường hoạt động khảo sát, thu thập thông tin phục vụ hoạt động giám sát; tổ chức các buổi làm việc với các cấp, các ngành liên quan để giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần, kéo dài chưa được giải quyết triệt để. Kết quả, đã thực hiện được 1.864 cuộc giám sát chuyên đề (trong đó Thường trực HĐND tỉnh giám sát được 9 cuộc, cấp huyện được 154 cuộc, cấp xã được 1.701 cuộc). Để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, Thường trực HDND tỉnh và một số huyện đã phát huy hiệu quả giám sát bằng hình ảnh, video clip, phản ánh đầy đủ, sinh động, khách quan thực tiễn tại cơ sở, mang tính thuyết phục cao góp phần nâng cao chất lượng báo cáo giám sát HĐND tại kỳ họp.
Bên cạnh đó, theo lĩnh vực phụ trách và địa bàn hoạt động, các Ban HĐND , Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp đã chủ động theo dõi, giám sát thường xuyên việc ban hành quyết định của UBND và thực hiện nghị quyết của HĐND các cấp, phản ánh kịp thời kết quả giám sát về Thường trực HĐND để có giải pháp kiến nghị với UBND cùng cấp và các đơn vị, cá nhân liên quan chỉ đạo giải quyết, khắc phục hoặc kiến nghị HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết HĐND tỉnh mà qua giám sát thực tế phát hiện chưa thực sự phù hợp, thiếu tính khả thi.
Theo Chủ tịch UBND huyện Quang Bình Đào Quang Diệu cho biết: Thông qua các Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, HĐND huyện, trên cơ sở những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và đưa ra các giải pháp giúp UBND huyện, UBND xã, các phòng, ban chuyên môn của huyện rút kinh nghiệm, các cách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời sửa chữa, khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chế độ, chính sách của tỉnh, huyện trên địa bàn.
Kỳ họp thứ 13 chuyên đề HĐND tỉnh Hà Giang đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. |
Song song với đó, HĐND các cấp đã tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 1.741 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và cử tri theo dõi, giám sát. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu. Từ đó giúp họ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, thiếu sót để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.
Với những kết quả đạt được cho thấy, HĐND các cấp tỉnh Hà Giang đã bám sát đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh vào thực tiễn. Góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao; khẳng định vai trò, uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử của địa phương.
-------------------
Kỳ II. Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở Hà Giang
Lan Phương - Hoàng Huyền (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc