Lan tỏa ý chí vươn lên từ những lá đơn thoát nghèo

20:38, 25/12/2023

BHG - Đồng Văn là huyện biên giới, có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đến nay, chưa hẳn đã có cuộc sống sung túc, khấm khá nhưng không ít hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đặc biệt, trong đó có 31 hộ nghèo của xã biên giới Phố Cáo (Đồng Văn). Đây là hành động thể hiện ý chí, nghị lực của người dân vùng cao, họ muốn nhường lại sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn. Từ đó góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Anh Chơ vui mừng trong căn nhà mới sau nhiều năm chắt chiu dành dụm.
Anh Chơ vui mừng trong căn nhà mới sau nhiều năm chắt chiu dành dụm.

Tháng 6.2023, 31 hộ dân thôn Tráng Phúng A, xã Phố Cáo đồng loạt viết đơn xin thoát nghèo. Anh Vừ Mí Lầu, sinh năm 1993 và vợ là Mua Thị Sau, sinh năm 2000, là một trong những gia đình trẻ, nỗ lực phát triển kinh tế và mạnh dạn xin thoát nghèo. Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng kiên cố, đầy đủ công trình phụ, đồ gia dụng cơ bản, chị Mua Thị Sau không giấu được niềm vui. Chia sẻ: Năm 2016, 2 vợ chồng tách hộ ra ở riêng. Tài sản là căn nhà tạm bợ, gọi là nhà nhưng chỉ là căn lều dựng lên bằng bạt để che mưa, che nắng. 3 đứa con lần lượt ra đời, 2 vợ chồng còn nhận nuôi thêm bác họ già, không nơi nương tựa, cuộc sống gia đình càng thêm vất vả. Từ đó, vợ chồng trẻ càng quyết tâm phải thoát nghèo, với suy nghĩ “mình còn trẻ, phải cố gắng để cho con cái có cuộc sống tốt hơn”. 2 vợ chồng nhận vải về may váy, áo trang phục địa phương và nuôi thêm bò, lợn. Đến khoảng giữa năm 2020, kinh tế gia đình ổn định và nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Lầu vay vốn để làm nhà. Ngôi nhà kiên cố đã trở thành động lực lớn để 2 vợ chồng nỗ lực hơn. “Khoản tiền lớn nhất 2 vợ chồng có được là 30 triệu đồng tiền bán bò, nhờ đó đã trả được 1 nửa tiền vay vốn. Đến nay, gia đình vẫn còn nợ tiền xây nhà chưa trả xong nhưng đã có thu nhập hàng tháng ổn định, con cái đến trường đã được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Vì vậy, tháng 6.2023, gia đình tôi đã quyết tâm xin thoát nghèo để nhường cho hộ khác khó khăn cần hỗ trợ hơn. Tôi luôn nghĩ rằng, chúng tôi còn trẻ, chỉ cần có sự đồng lòng, cùng nhau làm việc thì cuộc sống sẽ tốt hơn. Gia đình tôi cũng luôn biết ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã kịp thời động viên, hỗ trợ, đó cũng là động lực lớn để 2 vợ chồng cố gắng hơn”. Mua Thị Sau xúc động chia sẻ. Được biết, từ nghề may mặc, mỗi tháng gia đình anh Lầu có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng; ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm 3 nái lợn, nuôi thêm dê, trừ chi phí mỗi năm cũng có có thêm khoảng 30-40 triệu đồng.

Lá đơn xin thoát nghèo thể hiện sự nỗ lực vươn lên của người dân, không còn trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước
Lá đơn xin thoát nghèo thể hiện sự nỗ lực vươn lên của người dân, không còn trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước

Cũng như gia đình anh Lầu, gia đình anh Vừ Mí Chơ và chị Mua Thị Mỷ cũng tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Gia đình anh Chơ có 5 khẩu, anh chị hiện đang nuôi mẹ bị khuyết tật. Anh Chơ chia sẻ: “Sau khi lấy vợ, tôi và vợ cùng làm nhiều công việc như đi làm ở Bình Dương, làm ở các khu công nghiệp, nhưng may mắn không mỉm cười nên khi thì vợ ốm đau, khi thì dịch bệnh. Bởi thế, 9 năm sau khi có gia đình riêng tôi vẫn nghèo. Từ năm 2021 đến nay, không nản chí, tôi tiếp tục đi làm tại Hà Nội với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng; vợ anh ở nhà nấu rượu, bán phở, mì khô kiếm thêm mỗi tháng 3-4 triệu đồng”. Nhờ chịu thương chịu khó, chắt chiu dành dụm và nỗ lực không ngừng, cuộc sống cũng dần ổn định hơn. Đầu năm 2023, với khoản tiền tiết kiệm anh Chơ đã vay mượn thêm và xây dựng được căn nhà kiên cố. “Trên đời này không ai muốn nghèo mãi, hộ nào cũng muốn thoát nghèo vươn lên có cuộc sống đủ đầy, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên phải chấp nhận. Đến nay, tuy tôi chưa giàu có nhưng có nhà kiên cố, có thu nhập ổn định là hơn rất nhiều hộ. Giờ 2 vợ chồng lo làm ăn nuôi con, nuôi mẹ già. Gia đình tôi quyết định xin thoát nghèo, còn rất nhiều người khó khăn cần hỗ trợ hơn mình”. Anh Chơ tâm sự thêm.

Đồng chí Giàng Mí Say, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo cho biết: Thôn Tráng Phúng A có 99 hộ dân sinh sống, toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 11,58%. Hiện nay, thôn đã về đích Nông thôn mới. Có thể thấy rõ, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo, cận nghèo thông qua nhiều chương trình, chính sách; tạo đòn bẩy, động lực giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Cũng vì được ưu tiên rất nhiều quyền lợi và chính sách ưu đãi nên trước đây, nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo. Nhưng đến nay, nhờ các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, người nghèo, cận nghèo đã nâng cao nhận thức, ý chí trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo nên nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Những lá đơn tự nguyên xin thoát nghèo ở xã Phố Cáo là một điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo của huyện Đồng Văn. Công tác giảm nghèo bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân. Nhiều người nghèo đã thay đổi nhận thức và không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Hành động đó cũng đã lan tỏa thông điệp tích cực để các hộ nghèo vươn lên, nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo bền vững. Những lá đơn xin thoát nghèo sẽ là một “luồng gió” lan tỏa rộng rãi tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo. Đó cũng là niềm tin về công cuộc giảm nghèo thực chất, bền vững trên địa bàn huyện thời gian tới.

Bài, ảnh: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, học sinh là anh em”

BHG - Vượt quãng đường dài trên 20 km gập ghềnh, sạt lở khó đi, sau hơn 1 tiếng từ Quốc lộ 2 vào đến trung tâm xã Thượng Sơn (Vị Xuyên), anh em phóng viên chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến Sỹ dẫn đến tìm hiểu hệ thống trường PTDT bán trú của xã. Bước chân vào 2 Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn và Trường PTDT bán trú Tiểu học Thượng Sơn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là sự gọn gàng và chuẩn mực của môi trường giáo dục nơi đây.

25/12/2023
Các sở, ngành, đơn vị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

BHG - Sáng 28.12, Cục Hải quan tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

25/12/2023
Người 33 năm đồng hành cùng ngành Điện

BHG - Trong những năm qua, Công ty Điện lực Hà Giang đã đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty luôn phát huy tốt truyền thống đoàn kết, thống nhất trong thực hiện các các nhiệm vụ; trong đó vai trò của người đứng đầu là đồng chí Hoàng Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty được thể hiện rõ nét trong quản lý, chỉ đạo điều hành đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục; giữ mối quan hệ giữa ngành Điện với cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng chí cũng luôn nhận được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo, sự quý mến của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

25/12/2023
Phát triển giáo dục từ Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số

BHG - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, trong đó ngành Giáo dục đang tích cực triển khai các nội dung liên quan đến đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường nội trú, bán trú và xóa mù chữ.

25/12/2023