Người 33 năm đồng hành cùng ngành Điện

11:07, 25/12/2023

BHG - Trong những năm qua, Công ty Điện lực Hà Giang đã đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty luôn phát huy tốt truyền thống đoàn kết, thống nhất trong thực hiện các các nhiệm vụ; trong đó vai trò của người đứng đầu là đồng chí Hoàng Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty được thể hiện rõ nét trong quản lý, chỉ đạo điều hành đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục; giữ mối quan hệ giữa ngành Điện với cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng chí cũng luôn nhận được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo, sự quý mến của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đưa ánh sáng của Đảng, Bác Hồ đến với đồng bào vùng cao

33 năm công tác tại ngành Điện, đồng chí Hoàng Văn Thiện được nhiều người biết đến với tính cách chân tình, cởi mở, hết lòng vì công việc, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Suốt chặng đường làm việc, cống hiến  đồng chí Hoàng Văn Thiện luôn nêu cao vai trò gương mẫu trong sinh hoạt, lối sống và là trung tâm gắn kết cán bộ, công nhân viên, người lao động, xây dựng mối đoàn kết, tạo nên sức mạnh tập thể, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện (áo trắng) kiểm tra Trạm biến áp 110kV Bắc Quang.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện (áo trắng) kiểm tra Trạm biến áp 110kV Bắc Quang.

Những ngày đầu tái lập tỉnh năm 1991 đánh dấu sứ mệnh lịch sử thành lập Sở Điện lực Hà Giang. Để đáp ứng tình hình chính trị trong thời kỳ mới; đồng hành với những chủ trương, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh, Điện lực Hà Giang đã từng bước khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, với phương châm tất cả vì “Dòng điện, nguồn ánh sáng của Đảng và Bác Hồ” đến với đồng bào các dân tộc vùng cao.

Thời kỳ đó đồng chí Hoàng Văn Thiện được giao chức danh Phó phòng Đầu tư. Điều làm đồng chí trăn trở là làm sao xây dựng được cơ sở hạ tầng của ngành Điện trên vùng đất khó khăn này. Đồng chí kể: “Tôi đã đi dọc gần 300 km đường vùng biên giới giáp với Trung Quốc. Ban đêm bên mình thì tối đen, còn các thị trấn, các xã bên nước láng giềng thì ánh điện bừng sáng. Tôi suy nghĩ nếu không đưa được điện lưới quốc gia lên thì không bao giờ có thể thay đổi được đời sống kinh tế, văn hóa của người dân nơi này”. Thế là Công ty Điện lực Hà Giang cùng nhóm của kỹ sư Hoàng Văn Thiện đã xây dựng Đề án “Đưa điện lưới quốc gia lên Hà Giang” trình lãnh đạo tỉnh và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và được phê duyệt.

Từ đó một đường chì đỏ trên bản đồ Điện lực Hà Giang được vạch ra. Đó là đường dây 110 kv đầu tiên kéo điện quốc gia từ Yên Bái lên khắp các huyện của tỉnh Hà Giang. Có được sự ủng hộ của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự ủng hộ phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương và sự quyết tâm của toàn Công ty, đồng chí Hoàng Văn Thiện đã cùng anh em lặn lội lên các xã vùng cao thiết kế, tổ chức thi công đường dây hạ áp để nhanh tróng đưa nguồn điện lưới quốc gia đến vùng cao.

Đồng chí Hoàng Văn Thiện kể thêm: “Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là kỷ niệm đưa điện về xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, khi ánh điện quốc gia đầu tiên bừng sáng, bà con các dân tộc reo hò vang cả một vùng biên cương của Tổ quốc”. Bởi lúc đó, Hà Giang là tỉnh đầu tiên trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc phủ sóng 100% số xã có điện lưới quốc gia.

Ông Nguyễn Phúc Vinh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, những năm ấy là Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang kể lại: “Hoàng Văn Thiện không quản ngại khó khăn. Có những đợt đi công tác 5-7 ngày cùng anh em đưa điện lên núi. Ngày ấy đi lại khó khăn lắm. Đi tới một xã ở Mèo Vạc, Đồng Văn mất cả mấy ngày đường. Cả Điện lực của tỉnh chỉ có vài ba xe U-oát cũ nát. Nhưng vì có niềm tin nên Hoàng Văn Thiện mới say mê công việc như vậy”…

Đó là câu chuyện của những năm mới tái lập tỉnh. Ngày nay, ngành Điện đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện ngành Điện Hà Giang đang quản lý, vận hành 2 trạm 220kV tại thành phố Hà Giang và huyện Bắc Quang cấp điện cho phụ tải của tỉnh. 5 Trạm biến áp 110kV, với tổng dung lượng 261MVA; 23 đường dây 110kV, tổng chiều dài 513,64 km; 1.574 Trạm biến áp trung, hạ áp; hơn 6.258 km đường dây trung, hạ áp. Nguyên giá tài sản đến hết năm 2023 là 5.510.495 triệu đồng.

Nếu ví giao thông là “mạch máu”, thì điện là “xương sống” của nền kinh tế. Đồng chí Hoàng Văn Thiện cho biết: “Là ngành kinh tế “xương sống” của tỉnh, xác định điện luôn phải đi trước. Xuyên suốt quan điểm đó, từ Ban Giám đốc Công ty đến cán bộ, nhân viên, người lao động đã đoàn kết, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp; đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ khác hàng và đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt”.

Làm chủ công nghệ, chuyển đổi số

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện kiểm tra hoạt động Trạm biến áp 110kV không người trực Bình Vàng.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện kiểm tra hoạt động Trạm biến áp 110kV không người trực Bình Vàng.

Đồng chí Hoàng Văn Thiện cho biết: “Xác định tầm quan trọng và lợi ích to lớn của việc chuyển đổi số trong quản lý, vận hành lưới điện, sản xuất, kinh doanh, Công ty tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác chuyển đổi số. Đến nay, chuyển đổi số tại Công ty đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ chuyển đổi số, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị có bước tiến nhanh, bền vững và hiệu quả, mang lại ngày càng nhiều lợi ích kinh tế kỹ thuật và giá trị mới phục vụ khách hàng. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII về chuyển đổi số”.

Nhờ dự báo chính xác về xu thế thời đại, sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu, đến nay, Công ty Điện lực Hà Giang đã làm chủ công nghệ, chuyển đổi số vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; quản lý, vận hành đường dây, trạm biến áp; quản lý nhân sự…

Trong kế hoạch chuyển đổi số ngành Điện, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa ngành Điện giai đoạn 2021-2025, phát triển lưới điện thông minh, ngoài việc xây dựng Trung tâm điều khiển xa và chuyển đổi toàn bộ các trạm biến áp 110kV thành trạm không người trực được giám sát và điều khiển từ xa, Công ty còn triển khai kết nối toàn bộ các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp và phát triển hệ thống SCADA/DMS giám sát, điều khiển lưới điện trung áp, hiện tại đã có 148 Reclose được điều khiển đóng cắt từ xa.

Nổi bật trong chuyển đổi số của Công ty Điện lực Hà Giang là việc sử dụng thiết bị bay (Flycam) vào sản xuất, kinh doanh, vận hành lưới điện, nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, tăng năng suất lao động. Giúp hạn chế rủi ro cho người lao động khi phải trèo cao, đặc biệt là khi lưới đường dây đang có điện; Flaycam cũng giúp công nhân phát hiện sự cố ở những nơi đường dây đi qua vùng rừng núi hiểm trở một cách nhanh chóng để xử lý kịp thời cung cấp điện trở lại.

Có thể khẳng định, ngành Điện Hà Giang đã đồng hành, lớn mạnh cùng sự phát triển của đất nước, của tỉnh. Chặng đường hơn 33 năm gắn bó với ngành Điện, vì nhân dân phục vụ, Công ty Điện lực Hà Giang đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì cùng nhiều Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh. Có được thành tích đó là sự cố gắng đoàn kết của cả tập thể với trên 700 kỹ sư, cán bộ, công nhân viên và sự cống hiến sức lực, tâm huyết, trí tuệ không nhỏ của người “thuyền trưởng” chèo lái - Giám đốc Hoàng Văn Thiện.

Bài, ảnh:  VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển giáo dục từ Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số

BHG - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, trong đó ngành Giáo dục đang tích cực triển khai các nội dung liên quan đến đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường nội trú, bán trú và xóa mù chữ.

25/12/2023
Thanh Thủy làm tốt công tác tuyên truyền giảm sinh con thứ 3

BHG - Nhờ nỗ lực bám cơ sở, đội ngũ làm công tác Dân số – kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, qua đó góp phần giảm đáng kể tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn.

24/12/2023
Huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa thôn

BHG - Là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của người dân, góp phần phát triển con người một cách toàn diện. Qua đó huyện Vị Xuyên đã phát động phong trào xây dựng nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố. Từ sự đồng lòng góp công, góp của, nguồn lực từ nhân dân đã tạo nên những công trình mang nhiều ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

23/12/2023
Hiệu quả từ công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Thuận Hòa

BHG - Tháng 3.2019, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mịch A, Mịch B, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) được khởi công xây dựng với tổng kinh phí đầu tư trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh thông qua Chương trình Mở rộng Quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, mở ra kỳ vọng sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hàng trăm hộ dân nông thôn.

23/12/2023