Giáo dục kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh
BHG - Trước tình hình nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra tại một số địa phương trong cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của nhân dân. Do đó, ngành Giáo dục đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) tổ chức giáo dục kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy, nhằm trang bị cho giáo viên và học sinh những kỹ năng cơ bản về PCCC.
Trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người. Đặc biệt, đối với Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh là nơi có 100% học sinh ở nội trú nên công tác tổ chức PCCC tại trường học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, trong xây dựng và phát triển, nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Trong trường chia thành nhiều khu riêng biệt như: Khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học), khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh...), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho lưu trữ...), khu vực để xe. Để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu... tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ.
Công an thành phố Hà Giang tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho học sinh Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh. |
Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh, Nguyễn Phú San cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, thời gian qua, Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh đã tích cực, chủ động trong công tác PCCC. Theo đó, nhà trường đã lồng ghép kiến thức về PCCC vào giờ học chính khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, hoạt động ngoại khóa... Tổ chức diễn tập thực tế, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức cơ bản, cần thiết về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tại các buổi tuyên truyền, diễn tập các thầy, cô giáo và học sinh được lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCC và kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, trong đó tập trung vào công tác phòng cháy, việc sắp xếp các vật liệu dễ phát sinh cháy, công tác tự kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, trang bị các phương tiện chữa cháy, hướng dẫn các phương thức cứu người bị nạn, định hướng về việc thoát hiểm khi có sự cố cháy, cách nhận biết, sử dụng các loại bình chữa cháy… Đặc biệt, lực lượng cảnh sát PCCC còn giáo dục cho học sinh làm quen với một số kỹ năng như: Khi có hỏa hoạn xảy ra phải gọi tới số điện thoại của cứu hỏa 114; các bước để học sinh bình tĩnh xử lý, thoát hiểm khỏi đám cháy; những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn...
Em Đặng Lệ Thủy, học sinh lớp 10A1, chia sẻ: “Tham gia các buổi tuyên truyền, diễn tập về PCCC giúp chúng em biết được các kỹ năng cần thiết khi có đám cháy xảy ra. Từ những kiến thức này em cũng về chia sẻ với gia đình và những người xung quanh. Em thấy những buổi học về PCCC rất vui và bổ ích”. Thông qua công tác tuyên truyền về PCCC đã giúp giáo viên và học sinh có sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, nhận thức.
Cháy, nổ luôn là mối nguy tiềm ẩn đe dọa tài sản, tính mạng của mỗi người. Bởi vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng về PCCC là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Cảnh sát PCCC và ngành Giáo dục, công tác PCCC đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, thực hành kỹ năng. Từ đó cán bộ, giáo viên và học sinh có thể tự bảo vệ chính mình và cộng đồng, góp phần giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc