Thiết thực mô hình “vườn rau bán trú”
BHG - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Tân Nam, xã Tân Nam (Quang Bình) nằm cách trung tâm huyện Quang Bình gần 20 km, hiện có 220 học sinh, trong đó có gần 60% học sinh ở bán trú. Đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, phải đi học xa nhà, có em đến trường phải đi mất gần 20 km đường rừng, nên đa phần các em đều được nhà trường bố trí ăn ở sinh hoạt bán trú tại trường để đảm bảo việc học tập. Nhận thức được vấn đề an toàn thực phẩm cũng như cải thiện bữa ăn hằng ngày cho học sinh bán trú là một phần quan trọng, ban quản lý bán trú của Trường PTDTBT THCS Tân Nam đã xây dựng mô hình “vườn rau bán trú” mang đến bữa cơm đảm bảo an toàn vệ sinh và dinh dưỡng cho các em học sinh.
Từ năm 2021, với sự quyết tâm của thầy, cô và các em học sinh, mô hình “vườn rau bán trú” của các em nhỏ đã được gieo trồng theo thời gian càng nhân lên hiệu quả rõ rệt, thiết thực qua từng bữa ăn. Để nâng cao hiệu quả vườn rau, nhà trường cùng với sự tham gia của Hội cha mẹ học sinh đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Công ty TNHH Sơn Lâm Hà Giang xây dựng mô hình nhà lưới với tổng kinh phí 42 triệu đồng. Giờ đây các luống rau được chăm sóc tốt hơn chờ những bàn tay bé nhỏ thu hái.
Các em học sinh chăm sóc vườn rau xanh. |
Sau giờ học buổi sáng, Triệu Mùi Mấy, học sinh lớp 9B, cất vội chiếc cặp vào phòng rồi cùng nhóm bạn đến vườn rau trong khuôn viên trường. Cô bé mặc bộ trang phục truyền thống của người Dao, cùng các bạn học vừa cười đùa rôm rả vừa thoăn thoắt hái rau xanh xếp ngay ngắn vào rổ. Chừng mươi phút, rổ rau đã đầy ắp, ở bên cạnh, một nhóm khác đang tưới rau, cuốc đất, tay chân lấm lem chuẩn bị cho vụ rau mới trong niềm vui hân hoan.
Như nhiều học sinh khác, em Triệu Mùi Mấy biết trồng rau từ lúc 7-8 tuổi, khi đang học lớp 2 các cô giáo đã dạy em biết cách trồng rau, ở nhà em cũng được bà, mẹ hướng dẫn nên quen lắm với việc này. Mấy khoe: “Năm nay, lớp em trồng bốn luống rau, lứa nào cũng tốt và đều tăm tắp, không bị sâu. Chỉ học ca sáng nên mỗi buổi chiều, em và các bạn lại chia ca chăm bón cho luống rau của lớp. Rau do chính mình trồng ăn cảm giác sạch hơn, nước tưới rau ở đây được dẫn từ đầu con suối sạch, không bón phân hóa học nên không lo đau bụng hay nhiễm bệnh tật gì”.
Hết lứa rau này, cô, trò ở Trường PTDTBT THCS Tân Nam lại xới đất làm vụ mới, cứ thế quay vòng, rau thầy trò ăn quanh năm không hết. Cô giáo Lê Hà cho hay: “Trồng rau là hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp của học sinh trong trường, được duy trì nhiều năm nay, ngoài mục đích cải thiện chất lượng bữa ăn còn tăng kỹ năng sống, giúp các em biết yêu lao động. Có em học cách trồng rau ở trường, khi về nhà còn phụ bố mẹ hoặc tự làm đất, chăm sóc rau cho gia đình. Mỗi năm, các khối lớp trong trường thu được hàng tấn rau, sau khi thu hái, rau được đem cân cho bếp ăn bán trú của trường. Ngoài mô hình trồng rau, học sinh Trường PTDTBT THCS Tân Nam còn cùng giáo viên chủ nhiệm nuôi thêm đàn gà, có đợt nuôi tới gần 100 con. Khoản tiền thu được từ việc bán trứng, bán gà, bán rau các lớp dành làm quỹ lớp, lễ tổng kết cuối kỳ, cuối năm; mua phần thưởng tặng học sinh khá giỏi hoặc mua quà Tết, quần áo cho các em có hoàn cảnh khó khăn...”. Theo cô Hà, các em học sinh đều sinh ra từ miền núi khó khăn, sớm quen với nương rẫy, ruộng đồng nên việc huấn luyện làm vườn không gặp nhiều trở ngại. Chỉ cần thầy, cô hướng dẫn đôi ba lần là học trò đã thành thạo các kỹ năng chăm sóc vườn rau.
Thầy giáo Cao Đức Thuần, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tân Nam, cho hay: “Mô hình trồng rau sạch tăng gia sản xuất ở trường được duy trì từ năm 2021 đến nay. Hiện, trường tận dụng các thửa đất xung quanh và chia đều cho các lớp, các em thi đua với nhau chăm sóc nên rau lớp nào cũng tươi tốt. Về phía Ban Giám hiệu nhà trường các thầy, cô đã và đang vận động kêu gọi từ các nhà hảo tâm để cho chất lượng mô hình ngày một lớn hơn, cải thiện bữa ăn bán trú của các em đầy đủ hơn”.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Ý kiến bạn đọc