Tháo rào cản để an cư lạc nghiệp
BHG - Khó khăn, vướng mắc trong việc tách hộ, tuân thủ quy hoạch xây dựng, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đang là rào cản cần tháo gỡ để giúp hộ nghèo, cận nghèo hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp.
Thực hiện Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, giai đoạn 2021 – 2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, tỉnh ta có 7 huyện nghèo gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần và Bắc Mê với tổng số 9.628 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở. Dự kiến kinh phí thực hiện trên 327 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và 10% vốn đối ứng ngân sách địa phương.
Cán bộ xã Lũng Pù (Mèo Vạc) kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Trần Kế |
Qua rà soát của cơ quan chuyên môn cho thấy: Đa phần nhà ở của các hộ nghèo, cận nghèo (trước khi hỗ trợ) đều không đảm bảo chất lượng về kết cấu, diện tích. Vật liệu làm nhà chủ yếu bằng gỗ tạp, nhà trình tường đất, vách tre nứa, mái lá... không đảm bảo điều kiện sử dụng lâu dài. Nhiều hộ có diện tích dưới 8 m2/người, không có công trình vệ sinh riêng. Thực hiện Dự án 5, UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 7 huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự xây dựng nhà ở; công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo Dự án 5 đạt nhiều kết quả. Tính đến tháng 10.2023, tại 7 huyện nghèo có 2.684 hộ được hỗ trợ xây mới, 958 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở đảm bảo “3 cứng” (nền – móng cứng, khung – tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở làm thay đổi diện mạo, tạo sức sống, động lực mới để người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện tạo lập chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án 5 đối diện không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Kết quả kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng tại một số huyện nghèo cho thấy không ít trường hợp vướng mắc về tách hộ. Cụ thể, có gia đình đã tách ra ở riêng nhiều năm (từ 5 năm trở lên) nhưng không làm được thủ tục pháp lý để cơ quan có thẩm quyền (Công an xã, huyện) cấp chứng nhận cho tách hộ, do nhà ở của đối tượng thuộc khu đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này dẫn đến tình trạng, về thực tế thì đã tách hộ và là hộ độc lập nhưng về hồ sơ pháp lý thì chưa được tách hộ, do đó không thuộc diện được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 01, ngày 30.6.2022 của Bộ Xây dựng. Thông tư này quy định đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở: “Là hộ độc lập, có thời gian tách hộ đến khi Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm”.
Không chỉ khó khăn về tách hộ mà việc tuân thủ quy hoạch xây dựng cũng vướng mắc. Theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định liên quan, việc đầu tư xây dựng cần tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực tế trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm xã, thị trấn và các khu vực phát triển. Đối với vùng đồng bào DTTS, các xã vùng sâu, xa, địa hình hiểm trở, việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực lập đồng bộ các đồ án quy hoạch xây dựng, nhận thức của người dân về việc tuân thủ quy hoạch xây dựng còn hạn chế... Trong khi đó, đa phần đối tượng thuộc diện hỗ trợ nhà ở đều thuộc vùng nông thôn, tại các khu vực này chỉ có đồ án quy hoạch chung xây dựng xã được lập và phê duyệt từ giai đoạn trước (năm 2011 – 2013), thời kỳ quy hoạch đến năm 2020 (hết giai đoạn thực hiện). Đến nay, các xã đang tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng xã cho giai đoạn mới đến năm 2030, 2035, nhiều đồ án chưa được phê duyệt. Do vậy, không ít trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng khi xây dựng nhà ở lại không phù hợp với quy hoạch xây dựng, mặc dù công trình xây dựng trên khu đất mà gia đình đã canh tác và sinh sống ổn định trong thời gian dài.
Mặt khác, chênh lệch mức hỗ trợ giữa các chương trình hỗ trợ về nhà ở theo quy định hiện hành khiến việc triển khai Dự án 5 gặp khó khăn. Cụ thể: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, ngoài hỗ trợ 44 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở, các hộ còn được vay vốn tín dụng tối đa 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 28, ngày 26.4.2022 của Chính phủ. Trong khi đó, cùng là đối tượng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về nhà ở nhưng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chỉ hỗ trợ 44 triệu đồng từ ngân sách nhà nước; các hộ không được vay vốn tín dụng theo Nghị định 28. Do đó, nhiều hộ xin rút khỏi danh sách hỗ trợ của Dự án do không có khả năng bổ sung kinh phí đối ứng làm nhà.
Từ thực tế trên, rất cần sự chung tay tháo gỡ khó khăn của cơ quan có thẩm quyền để Dự án 5 đi vào cuộc sống, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, không chỉ đảm bảo hộ được hỗ trợ có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần quan trọng phát huy tính nhân văn sâu sắc trong thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc