Tài liệu giáo dục địa phương hấp dẫn, gần gũi học sinh Mèo Vạc
BHG - Tài liệu giáo dục địa phương đang được hoàn thiện để đưa vào giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông qua giảng dạy thực nghiệm, ngành Giáo dục chủ động các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh.
Tại huyện Mèo Vạc đã tổ chức dạy thực nghiệm lớp 4 với chủ đề “Nghề đúc lưỡi cày ở Hà Giang” và lớp 11 với chủ đề “Làng xã ở tỉnh Hà Giang”, qua đó đánh giá nội dung biên soạn tài liệu với những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội... Việc thực nghiệm được tổ chức mỗi chủ đề dạy ít nhất hai tiết, thành phần tham dự gồm Ban Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên trực tiếp giảng dạy khối lớp 4 và khối lớp 11 của các trường.
Hoạt động trải nghiệm của các em học sinh lớp 4A3 Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc. |
Theo đánh giá của giáo viên dạy thực nghiệm, việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào hoạt động trải nghiệm một số môn học cơ bản thuận lợi, dễ dàng, hợp lý. Việc tích hợp làm cho tiết dạy sinh động hơn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Từ đó, từng bước giúp các em phát triển phẩm chất và năng lực bản thân đúng định hướng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, sau khi tổ chức dạy thực nghiệm, Phòng tổ chức góp ý, đánh giá cùng nhóm tác giả biên soạn tài liệu để rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Thông qua giảng dạy thực nghiệm, các nhà trường chủ động hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh, điển hình như Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm hoạt động cày nương trên đá, phỏng vấn bác nông dân, tham gia quan sát hoạt động cày nương và vẽ tranh. Từ trải nghiệm, kiến thức thực tế, giáo viên thiết kế bài giảng nhằm tạo hứng thú cho học sinh.
Tại Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Mèo Vạc, học sinh được trải nghiệm, thăm quan thực tế, tìm hiểu một số làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu trên địa bàn huyện. Ở phần học trên lớp, học sinh được tìm hiểu về khái niệm làng, xã; nguồn gốc, đặc điểm của làng, vai trò xã ở nước ta nói chung và ở Hà Giang nói riêng. Cùng với đó, giáo viên đã tổ chức cho học sinh thảo luận, vẽ sơ đồ cấu trúc làng, xã ở Hà Giang; thiết kế poster giới thiệu về một số làng, xã tiêu biểu của tỉnh; chia nhóm, viết bài thuyết minh và tranh biện; nhận diện, viết báo cáo về những biến đổi cơ bản của văn hóa làng tại địa phương trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Các nội dung học được áp dụng trên hình thức trải nghiệm thực tế, bài giảng điện tử kết hợp nghiên cứu tài liệu, hình ảnh… giúp các em được tiếp thu và khai thác nội dung bài học một cách chủ động, sáng tạo, năng động. Ngoài ra, tiết học cũng chú trọng việc tương giác giữa giáo viên với các em học sinh, đẩy mạnh tinh thần trao đổi, làm việc nhóm giữa các em học sinh thông qua các câu hỏi và hoạt động thảo luận nhóm.
Cô giáo Vàng Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS & THPT Mèo Vạc cho biết: Qua nghiên cứu, thảo luận về tài liệu giáo dục địa phương lớp 11, nhà trường nhận thấy nội dung phù hợp với đối tượng học sinh. Cách bố trí sắp xếp hệ thống câu hỏi hợp lý nên khi học sinh nghiên cứu dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ngoài dạy trên lớp, hoạt động trải nghiệm cũng là nội dung quan trọng để nhà trường giảng dạy hiệu quả hơn giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bài, ảnh: Minh Chuyên (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc