“Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật” ở Vị Xuyên
BHG - Đọc bài phát biểu tâm huyết của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng với tiêu đề “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật” tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục, giai đoạn 2023 – 2030 được đăng toàn văn trên Báo Hà Giang số ra ngày 26.8 vừa qua tôi liên tưởng tới sự phát triển đột phá về chất lượng dạy và học trong công tác giáo dục đào tạo của huyện Vị Xuyên giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây. Trong đó điểm sáng là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện đã kề vai sát cánh, đồng hành cùng ngành Giáo dục huyện xây dựng thành công mô hình giáo dục mũi nhọn THCS thông qua sự ra đời và phát triển của Trường THCS Lý Tự Trọng.
Vào mạng Internet dành thời gian đọc lại một loạt các bài báo được đăng tải trên các tờ báo Trung ương và địa phương viết về thành tích dạy và học của thầy và trò Trường THCS Lý Tự Trọng nói riêng và ngành Giáo dục huyện Vị Xuyên nói chung, chắc chắn mọi độc giả sẽ đều ấn tượng với những số liệu chứng minh thành tích dạy và học của ngành Giáo dục huyện nhà trong giai đoạn 2010 trở lại đây. Đơn cử như bài viết trên Báo Hà Giang điện tử ngày 20.5.2017 viết về ngành Giáo dục huyện Vị Xuyên, trong đó có đoạn: Nhờ có sự đồng hành vào cuộc của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng quyết liệt tham gia xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện. Đặc biệt là sự quan tâm đến sản phẩm “con cưng” của mình là Trường THCS Lý Tự Trọng, nên kết thúc năm học 2016 – 2017 thầy và trò các cấp học của huyện Vị Xuyên đã đoạt được những thành tích nổi bật. Trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, các em học sinh của huyện Vị Xuyên đoạt 13/16 giải Nhất toàn tỉnh về các môn học; giành 6 giải đồng đội, trong đó có 2/4 giải Nhất toàn tỉnh. Kỳ thi chọn học sinh giỏi Trung học Phổ thông cấp tỉnh, học sinh các trường trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 86 em đoạt giải, trong đó có 5 giải Nhất, 22 giải Nhì, 25 giải Ba và 34 giải Khuyến khích. Cấp Tiểu học có 55 em đoạt giải cấp tỉnh. Đặc biệt, trong các cuộc thi cấp Quốc gia riêng các em học sinh khối THCS của huyện Vị Xuyên đoạt 17/29 giải của cả tỉnh...
Trường THCS Lý Tự Trọng (Vị Xuyên) tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2023 - 2024. Ảnh: THÚY QUỲNH |
Trò chuyện cùng chị Lê Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vị Xuyên, người có thời gian khá dài công tác trong ngành Giáo dục huyện về đề tài dạy thật, học thật, thi thật và chất lượng thật. Chị Vân tâm đắc: Trong bài viết của mình, Quyền Bí thư Tỉnh ủy đã đề cập đến 4 nhóm nguyên nhân chủ quan của sự yếu kém trong công tác giáo dục tỉnh nhà thời gian qua. Đồng thời cũng đã sâu sát nghiên cứu và chỉ ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu khắc phục sự yếu kém trong công tác giáo dục của tỉnh nhà. Nếu vận dụng bài phát biểu của Quyền Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030 gắn với thực tiễn đã tạo nên sự thành công đưa ngành Giáo dục đào tạo của huyện Vị Xuyên trở thành điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt là gắn với sự thành công trong quá trình hình thành và phát triển của mô hình Trường THCS Lý Tự Trọng thì bài phát biểu của Quyền Bí thư Tỉnh ủy hết sức sát hợp với thực tiễn. Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thì cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, làm sao để mọi người đều cùng có chung ý thức để nâng cao nhận thức về công tác giáo dục. Trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là hết sức quan trọng. Ở Vị Xuyên trong quá trình xây dựng mô hình trường mũi nhọn THCS Lý Tự Trọng giai đoạn 2010 – 2015, vai trò của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hết sức rõ nét, trong hầu hết các hội nghị quan trọng của huyện giai đoạn này đều luôn dành một thời gian nhất định để các đồng chí lãnh đạo huyện nắm bắt và nhanh chóng giải quyết mọi vướng mắc liên quan đến hoạt động của trường. Việc đảm bảo chế độ cho đội ngũ giáo viên, học sinh trong trường cũng được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện trực tiếp vào cuộc và có những quyết sách mang tính đột phá. Nhờ đó đã tạo dựng được sự tâm huyết, tận tâm với nghề của các thầy, cô giáo; ý chí phấn đấu không ngừng của các em học sinh trong trường luôn được duy trì một cách cao nhất. Bởi hàng năm, kết quả học tập và rèn luyện của các em học sinh trong trường nếu ở mức đạt (trung bình) trở xuống thì sẽ phải chuyển trường…
Huyện Vị Xuyên hiện có trên 39.000 chị em phụ nữ có độ tuổi từ 18 trở lên, trong đó có tới 23.000 hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) nên vai trò của Hội LHPN huyện hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng xã hội học tập. Đây cũng chính là đối tượng để huyện tập trung tuyên truyền trong quá trình triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; vận động tham gia các lớp xóa mù chữ và sau xóa mù chữ; tham gia các mô hình tư vấn nghề, dạy nghề; tham gia các câu lạc bộ nuôi con khỏe dạy con ngoan và tích cực tham gia phong trào hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tích cực nhân rộng những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong quá trình tham gia thực hiện xây dựng mô hình xã hội học tập tại địa phương. Góp phần tạo vị thế quan trọng trong quá trình tham gia thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 – 2030 mà tỉnh đã ban hành.
Đức Dũng
Ý kiến bạn đọc