Đa dạng hình thức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

11:21, 09/11/2023

BHG - Tích hợp kỹ năng sống (KNS) vào các môn học; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; thành lập các câu lạc bộ sở thích; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa; ban hành bộ tài liệu hướng dẫn thực hành... là những cách làm hiệu quả, đa dạng mà các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang triển khai để giúp học sinh có khả năng làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp, có thái độ, hành vi và thói quen tích cực, kỹ năng ứng phó tốt trước các tình huống của cuộc sống.

Ma túy, thuốc lá điện tử xâm nhập học đường là mối lo thường trực của các trường học và phụ huynh, làm thế nào để giúp các em tăng “sức đề kháng” trước những cám dỗ, lôi kéo của bạn bè để tránh xa ma túy luôn là “bài toán” khó. Để ngăn chặn ma túy học đường, các trường học phối hợp với lực lượng công an tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh. Em Lưu Trung Thành, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Các buổi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa thực sự rất bổ ích, giúp chúng em nhận diện được những tác hại, hệ lụy mà ma túy mang lại và có kỹ năng để phòng tránh hiệu quả”.

Hoạt động chuyên đề hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh xã Thượng Sơn (Vị Xuyên).
Hoạt động chuyên đề hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh xã Thượng Sơn (Vị Xuyên).

Là địa phương có nhiều trường nội trú, bán trú, để quản lý học sinh, đảm bảo hoạt động của nhà trường đi vào nền nếp, việc giáo dục KNS cho học sinh nội trú là vô cùng cấp thiết và được các trường đặc biệt chú trọng. 5 giờ sáng tại các trường nội trú trên địa bàn tỉnh, sau tiếng chuông báo thức của giáo viên, các em học sinh nhanh chóng thức dậy, gấp gọn chăn, màn, xếp hàng thứ tự vệ sinh cá nhân, ra sân tập thể dục buổi sáng, vệ sinh sân trường, ăn sáng và lên lớp học. Tất cả các hoạt động trên được thực hiện quy củ, nghiêm túc. Sống xa gia đình, được thầy, cô giáo rèn luyện KNS giúp các em tự lập, mạnh dạn, lễ phép, đoàn kết và yêu thương nhau nhiều hơn.

Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 12 của UBND tỉnh về giáo dục KNS, lịch sử, văn hoá truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương, trường học chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Ngành Giáo dục biên tập và sử dụng các bộ tài liệu “Giáo dục KNS cho học sinh; tập huấn cho cán bộ, giáo viên về phương pháp, hình thức tổ chức tích hợp giáo dục KNS, văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục vào chương trình giáo dục và các hoạt động của nhà trường. Các trường học tăng cường phối hợp với địa phương, ngành Công an, Văn hóa, Kiểm lâm, Hội LHPN, Tỉnh đoàn... tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về Luật An toàn giao thông, kỹ năng phòng, chống cháy nổ, buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy, bạo lực học đường, phòng chống đuối nước, bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, xây dựng cổng trường an toàn, kỹ năng giao tiếp với khách du lịch. Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục KNS vào các môn học, bài học trong chương trình như: Môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Lịch sử - Địa lý ở cấp tiểu học và Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, thể dục ở cấp trung học. Các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đội, đoàn, câu lạc bộ cũng được tổ chức sôi nổi với việc hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống thực tế thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Nhiều trường học chú trọng xây dựng cảnh quan sư phạm đảm bảo xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện; mời cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện đến tập huấn, hướng dẫn về công tác nội vụ cho cán bộ, giáo viên, học sinh nội trú; tổ chức tăng gia sản xuất vừa góp phần cải thiện bữa ăn nội trú, vừa giáo dục học sinh về tinh thần yêu lao động; thành lập các câu lạc bộ sở thích tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống tảo hôn, bạo lực học đường, xây dựng tủ sách KNS, thư viện xanh ngoài trời.

Giai đoạn 2020 - 2023, UBND tỉnh cấp cho ngành Giáo dục trên 700 triệu đồng triển khai các hoạt động giáo dục KNS, đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Các địa phương, cơ sở giáo dục bố trí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để triển khai các hoạt động giáo dục KNS; tổ chức trên 1.290 chuyên đề giáo dục KNS và thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả 1.362 câu lạc bộ sở thích. Thông qua hoạt động giáo dục KNS giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất và các KNS cơ bản có khả năng ứng phó hiệu quả với những thách thức trong cuộc sống, có khả năng tự bảo vệ tinh thần và sức khỏe của chính mình và những người khác trong cộng đồng.

Việc tăng cường giáo dục KNS cho học sinh là một trong những giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng đến mục tiêu giúp người học làm chủ kiến thức, biết vận dụng kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy vai trò người có uy tín trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

BHG - Gương mẫu trong cuộc sống, tích cực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn phát huy vai trò, trách nhiệm là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, đã góp phần tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT).

08/11/2023
Những phòng tuyến bước đầu trong phòng cháy, chữa cháy cơ sở

BHG - Lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng luôn là phòng tuyến cơ sở đầu tiên phát hiện và tổ chức cứu chữa các tình huống cháy, nổ giai đoạn ban đầu khi mới xảy ra sự cố. Để phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhân rộng, củng cố, nâng cao hoạt động của các lực lượng nòng cốt PCCC&CNCH tại địa bàn dân cư.

08/11/2023
Hà Giang có 3 tác phẩm vào vòng chung kết Cuộc thi “Lắng nghe con nói”

BHG - Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023”, với tên gọi “Lắng nghe con nói” đã chọn ra được 37 tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, Hà Giang có 3 tác phẩm lọt vào vòng chung kết.

08/11/2023
Hội thảo giao ban dự án “Làm cha mẹ bình đẳng giới để chăm sóc giáo dục trẻ”

BHG - Sáng 7.11, Hội LHPN tỉnh phối hợp với tổ chức Plan tổ chức giao ban dự án “Làm cha mẹ bình đẳng giới để chăm sóc giáo dục trẻ” cho năm tài chính 2023 (FY23) và phương hướng, nhiệm vụ năm FY24. Dự hội thảo có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh; đại diện tổ chức Plan; Ban Quản lý dự án Plan Sở y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo; Ban điều hành dự án Plan huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc, Yên Minh…

08/11/2023