Có một phiên chợ thức khuya, dậy sớm… mưu sinh dưới ánh đèn!

07:51, 10/11/2023

BHG - Ngày nào cũng vậy, khi nhà nhà còn đang say giấc, có một phiên chợ rau, củ khởi đầu ngày mới ở giữa trung tâm thành phố Hà Giang lúc rạng sáng. Chợ không quá ồn ào, náo nhiệt như các chợ thường diễn ra vào ban ngày, bởi người bán đa phần là người bán buôn và người mua đến mua cất để đem bán tại các chợ, điểm bán lẻ. Tại phiên chợ đặc biệt này, chỉ có một thứ nổi bật, đó là những ánh đèn phát ra từ điện thoại, đèn pin của người mua, người bán.

Nghe những hộ ở gần chợ Trung tâm thành phố nói phải ra đây thật sớm mới thấy phiên chợ toàn ánh đèn này, chúng tôi thức dậy từ rất sớm để đến đây tận mục sở thị phiên chợ lúc rạng sáng. Quả thật, không khỏi ngạc nhiên khi hàng ngày từ đêm hôm trước đến rạng sáng hôm sau, những người bán hàng đã tập kết hàng hóa về đây, bày trên vỉa hè các tuyến đường từ Trung tâm Văn hóa triển lãm tỉnh vòng vào đến khu vực Đoàn Nghệ thuật tỉnh, thuộc các tổ 16, 17 và tổ 9, phường Trần Phú. Rất nhiều chủng loại rau, củ, quả từ các vùng trồng rau trong và ngoài tỉnh đưa về đây.

Không ồn ào, cũng gần như không có người phải đứng ra nhắc nhở, những người bán hàng ngồi khá trật tự trên các vỉa hè. Những đống rau, củ, quả được bày ra để chờ người mua. Trên các tuyến đường họp chợ rạng sáng này, chỗ có điện sáng, chỗ cây xanh che khuất ít ánh đèn…, nhưng các hàng rau, củ vẫn được bày ra. Để tiện cho việc mua bán, người bán hàng, người mua hàng đều có những thiết bị chiếu sáng cá nhân. Người treo những bóng đèn tích điện, người sử dụng đèn của điện thoại, người dùng đèn pin, tạo nên hình ảnh mưu sinh… dưới ánh đèn rất sinh động.  

Tiếp xúc với bà con bán hàng ở đây, đa phần đến từ các địa phương như Quản Bạ, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Trong đó, nhiều nhất vẫn là những người bán hàng đến từ xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, nơi có vùng chuyên canh rau rất nổi tiếng của tỉnh. Anh Lù Sè Tà, 43 tuổi, người Nùng ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, Quản Bạ chia sẻ: "Nhà tôi trồng rau bán ra thị trường 20 năm rồi, tôi bắt đầu mang rau về chợ này bán khoảng 4 năm nay. Hàng ngày tôi dùng xe máy chở rau từ nhà xuống đây, những ngày thuận lợi bán hết hàng thì tốt, có ngày bán không hết thì buồn lắm vì nhà mình ở xa hơn 40km. Công việc vất vả lắm, nhưng vẫn phải nỗ lực duy trì để tiêu thụ rau nhà trồng, đảm bảo đời sống gia đình".

Còn với anh Vàng Thái Sơn, 32 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Khau Bụt, xã Quyết Tiến, Quản Bạ cho biết: "4 – 5 năm nay, tôi thường xuyên chở rau xuống đây bán. Đi bán hàng như thế này phải chịu khó thức khuya, dậy sớm. Ngồi bán ở đây từ lúc 2 – 3h cho đến 7h sáng là phải trả lại vỉa hè trước cửa cho các hộ ở đây. Nếu không bán hết hàng lại tìm cách di chuyển vào Chợ Trung tâm hoặc chỗ khác để bán cho hết. Sau đó mới trở về nhà, tranh thủ chợp mắt mấy tiếng, xong lại cùng gia đình đi cất rau để hôm sau tiếp tục mang xuống đây bán".

Với anh Vương Đức Thài, 31 tuổi, dân tộc Mông ở Bản Phố, xã Minh Tân, Vị Xuyên cho biết: "Hàng ngày tôi đi hơn 33km xuống đây khoảng 23h đêm để tập kết rau rồi ngủ tạm qua đêm ở vìa hè chờ đến rạng sáng bày ra bán. Có ngày bán tốt thu nhập từ 400 – 500 ngàn đồng, có hôm không được như vậy. Vì gia đình chỉ làm nông, nuôi 2 con ăn học, một cháu đang học cấp 3, một cháu học lớp 5 nên cũng phải cố gắng để cho các con ăn học đầy đủ bằng bè bạn. Rất may mắn là bà con bán hàng ở đây không phải nộp tiền gì cả, có nhiều hộ dân ở đây cũng rất tốt, tạo điều kiện cho chúng tôi bán hàng".

Gia đình cô chú Duyên Kết, ở tổ 16, phường Trần Phú là một trong những hộ luôn tạo điều kiện cho bà con các nơi về bán hàng trước cửa nhà. Cô Duyên cho biết: "Thấy bà con vất vả đèo rau củ về đây bán, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, hôm bán hết hàng không sao, có hôm hàng không bán được, dập nát cũng thấy thương. Vì thế, nhà tôi và nhiều hộ khác luôn tạo điều kiện để bà con bán hàng".

Chị Nguyễn Thị Huyền, một người mua cất rau tại chợ này cho biết: "Những người như chúng em thường phải đến đây rất sớm để lựa chọn mua cất rau, củ, quả đem đi bán ở các chợ, các điểm trong thành phố. Chợ này góp phần cung cấp lượng rau củ không nhỏ cho thành phố. Những người có mặt tại phiên chợ này đều là những người chịu thương, chịu khó, lặn lội đêm hôm…", chị Huyền chia sẻ thêm.

Theo nhiều người bán hàng từ các nơi về họp chợ rạng sáng ở đây chia sẻ, đi bán hàng những hôm thời tiết đẹp không sao, những hôm trời mưa, rét khá vất vả. Mong muốn thành phố Hà Giang xây dựng, bố trí một nơi thuận tiện để những người bán hàng từ xa đến có chỗ để bán hàng ổn định, tránh được mưa gió và có đủ ánh sáng để thuận tiện mua bán. Bởi chợ tạm lúc rạng sáng này chỉ được bán đến 7h sáng là phải dọn hàng, chưa bán hết cũng phải dọn hàng để trả lại vỉa hè.

Ông Tạ Quang Hạnh, Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: "Trước nhu cầu mưu sinh của bà con, đồng thời để góp phần thúc đẩy sản xuất của bà con các vùng chuyên canh rau trong tỉnh như Quản Bạ, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, đáp ứng nhu cầu rau xanh của thành phố, chính quyền thành phố cũng tạo điều kiện cho bà con buôn bán rau, củ, quả ở khu vực này từ rạng sáng đến 7h mỗi ngày. Phường cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con đảm bảo vệ sinh, chấp hành quy định về trật tự đô thị".                    

Kết thúc phiên chợ rau củ quả vào thời điểm 7h sáng, là lúc nhịp sống ngày mới của thành phố bắt đầu quay trở lại. Những người bán hàng lặng lẽ trở về nhà, chuẩn bị cho một vòng quay mới, vòng quay thức khuya, dậy sớm, mưu sinh… dưới những ánh đèn lập lòe lúc rạng sáng mỗi ngày.

Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chính thức tăng giá bán điện từ 9.11.2023

Chiều 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo về tăng giá bán điện.

09/11/2023
Tập huấn nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh

BHG - Chiều 9.11, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phối hợp với Sở Y tế tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Tới dự có Tiến sĩ, Bác sỹ Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, lãnh đạo Sở Y tế và cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

09/11/2023
Đại hội đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh lần thứ V

BHG - Sáng 9.11, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tới dự có các đồng chí: Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể và 133 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 9.000 hội viên dự đại hội.

09/11/2023
Ngày hội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

BHG - Sáng 9.11, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Công an tỉnh phối hợp với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang tổ chức ngày hội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân và giảng viên, các em sinh viên thuộc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh. 

09/11/2023