Nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho trẻ em gái
BHG - Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11.10) năm 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó từng bước góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11.10 hàng năm làm Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Ngày Quốc tế trẻ em gái được tổ chức mỗi năm nhằm tạo ra cơ hội được đấu tranh, vươn lên và nâng cao nhận thức cho trẻ em gái. Đồng thời, đây là lúc để cả thế giới dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Tại Hà Giang, năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao là 112,8 bé trai/100 bé gái. Trong giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (109,1 bé trai/100 bé gái, năm 2022).
Các em học sinh nữ tại lớp 3A1, trường tiểu học Xuân Giang, huyện Quang Bình cùng thảo luận những vấn đề về bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em gái. |
Thiết thực hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái, Chi cục Dân số và KHHGĐ Hà Giang đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người; tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…
Tại buổi học ngoại khóa sinh hoạt về chủ đề “Bình đẳng giới chăm sóc sức khỏe cho trẻ em gái” của lớp 3A1, trường tiểu học Xuân Giang, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình. Các em học sinh đã được tìm hiểu về bình đẳng giới, cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân khi đang ở độ tuổi phát triển. Đặc biệt là các em học sinh nữ đã cởi mở chia sẻ suy nghĩ về những vấn đề tế nhị, khó nói về giới tính và chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực về kiểm soát, giới, bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng. Em Hoàng Tường Vy, học sinh lớp 3A1 chia sẻ: "Qua các buổi học ngoại khóa, đã giúp em đã tự trang bị những kiến thức cơ bản về sức khoẻ giới tính; rèn luyện các kỹ năng sống tích cực, lành mạnh, biết cách phòng tránh và bảo vệ bản thân".
Theo ông Phạm Công Khanh, Giám đốc Chi cục Dân số và KHHGĐ Hà Giang: Để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giải pháp then chốt là tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới trong công tác bình đẳng giới. Đồng thời cần có nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ trẻ em, để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Thời gian qua, Chi cục đã hướng dẫn, giám sát và phối hợp chỉ đạo các xã, phường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị truyền thông dân số về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Điển hình là tổ chức nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh với 115 cuộc/ 10.215 lượt người. Đồng thời, cung cấp 8.000 tờ rơi, sách mỏng, xây dựng 18 cụm pano tuyên truyền.
Nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và bình đẳng cho trẻ em gái trong bối cảnh phát triển hiện nay, cần tăng cường công tác tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh cho tất cả mọi người để thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ, quan tâm và chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời, cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các cấp quản lý và các ngành chức năng, nhằm xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh.
Bài, ảnh: Mai Ánh
Ý kiến bạn đọc