Hoàng Su Phì chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai
BHG - Với địa hình đồi núi đất, xen kẽ nhiều sông, suối, Hoàng Su Phì là khu vực thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời với thiên tai.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Hoàng Su Phì, trong 8 tháng năm 2023, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều đợt hạn hán kéo dài (vào thời điểm tháng 3, 4), mưa to, dông lốc, sấm sét, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong đó, 2 người tử vong, 2 người bị thương; trên 70 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá vào nhà; gần 400 ha hoa màu bị thiệt hại; nhiều tuyến đường, kênh mương, cầu treo bị hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Ngàm Đăng Vài. |
Để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, huyện đã huy động mọi nguồn lực với trên 5.000 ngày công, giúp các hộ có nhà bị sập, hộ phải di dời nhà ở sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, khắc phục các công trình phúc lợi bị hư hỏng như đường điện, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã và hội trường các thôn… Các địa phương đã hỗ trợ cho những gia đình có người tử vong, bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.
Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoàng Su Phì cho biết: Ban Chỉ huy đã phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, thành viên. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân kiến thức cơ bản về phòng tránh thiên tai. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn duy trì, tổ chức và nâng cao năng lực của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, điều tiết giao thông, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn… bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu.
Với phương châm “chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại”, các xã, thị trấn đã tăng cường rà soát các hộ đang sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để di dời đến nơi an toàn, nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sát với tình hình thực tế của địa phương. Xây dựng lịch trực ban, duy trì chế độ trực 24/24 để kịp thời chỉ đạo trong mùa mưa bão. Bí thư Đảng ủy xã Pố Lồ, Phượng Chàn Nu cho biết: Xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đảm bảo đủ số lượng thành viên tham gia bao gồm các thành phần chủ chốt: Đảng ủy, HĐND, UBND xã, các ngành, đoàn thể xã, trưởng các thôn, bản. Thường xuyên tuyên truyền đến nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai. Hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng đối với các diện tích bị thiệt hại. Huy động sức dân tu sửa các công trình phúc lợi công cộng như: Đường giao thông, nạo vét, tu sửa kênh mương; đảm bảo hoạt động sản xuất, lao động bình thường sau khi thiên tai xảy ra.
UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, thị trấn rà soát, mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã đảm bảo nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa bão, lập phương án sửa chữa kịp thời các công trình bị hư hỏng để đảm bảo hoạt động sản xuất của nhân dân. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo đảm bảo độ chính xác cao. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và người dân, góp phần cùng với cơ quan nhà nước ứng phó các sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc