Đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn vùng cao
BHG - Những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Đồng Văn luôn được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường cho người dân được thực hiện thường xuyên đã tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, nhất là tại các điểm du lịch vẫn còn tồn tại đã ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM. Để khắc phục những hạn chế đó, BTV Huyện ủy Đồng Văn đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, phát động các phong trào thi đua tới đông đảo nhân dân trong thực hiện vệ sinh môi trường. Nhờ đó, môi trường sống ngày càng được cải thiện, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao.
Xác định bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ quan trọng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt về những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường. Trong đó, gắn với phong trào xây dựng NTM, Ủy ban MTTQ và đoàn thể các cấp với vai trò là lực lượng nòng cốt đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phát động phong trào chung tay bảo vệ môi trường; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Các hoạt động vệ sinh môi trường tại khu dân cư, trồng 1.000 cây xanh được duy trì. Từ đó, nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện được duy trì hiệu quả như: Phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ thực hiện, “Ngày Chủ nhật Xanh” của Đoàn thanh niên các cấp triển khai; phong trào xanh, sạch, đẹp trong các trường học... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các xã, thị trấn còn tích cực vận động nhân dân trồng hoa, cây xanh, cây bóng mát dọc các tuyến đường giao thông bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp và phục vụ du lịch.
Thực tế hiện nay, do thói quen, tập quán sinh sống, chuồng trại nuôi nhốt gia súc trâu, bò vẫn gần nhà ở, chất thải chăn nuôi chưa được xử lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe con người. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực tuyên tuyền, vận động nhân dân cải tạo, sửa chữa, sắp xếp lại nhà cửa; di dời chuồng trại chăn nuôi đảm bảo phù hợp diện tích đất, xây dựng hố chứa chất thải, không xả rác, chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra đường, hệ thống cống rãnh ở khu đô thị và khu dân cư; các khu vực, điểm du lịch. Khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Đến nay, các tổ dân phố và các thôn đều đã xây dựng và thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương còn kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, hỗ trợ người dân xây nhà vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh. Ngoài ra, phối hợp với ngành chuyên môn tuyên truyền người dân không lạm dụng thuốc diệt cỏ và các chế phẩm hóa học độc hại. Từ đó góp phần tích cực trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn.
Có thể thấy, việc tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường nông thôn đã đem lại nhiều kết quả, người dân đã đồng lòng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Song, để duy trì hiệu quả bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp, ngành trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập huấn, hướng dẫn hộ gia đình phân loại và xử lý tại hộ; biểu dương những mô hình làm tốt công tác thu gom, xử lý chất thải để nhân rộng các mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc