Xây dựng văn hóa con người Việt Nam ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kỳ cuối: Xây dựng văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Vượt qua khó khăn trước mắt
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết tại vùng sâu, xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cần phải “sàng lọc”, loại bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu; bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong đời sống đồng bào vùng cao.
Dệt lanh tại Hợp tác xã Dệt vải lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ). |
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa con người Việt Nam, tại tỉnh Hà Giang đã thành lập Tổ tư vấn sưu tầm, đề xuất phát triển các giá trị văn hóa của các DTTS. Theo đó, các thành viên trong Tổ tư vấn có nhiệm vụ góp ý vào dự thảo Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh; biên tập cuốn tài liệu “Một số nét văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Hà Giang”; nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh, lựa chọn những nội dung thật sự đặc sắc, hiện đã bị mai một, cần thiết phải bảo tồn lưu giữ, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy.
Mặc dù vậy, theo nhà nghiên cứu văn hóa thuộc Tổ tư vấn sưu tầm, đề xuất phát triển các giá trị văn hóa của các DTTS tỉnh, cũng là một cán bộ lão thành của tỉnh, ông Hạng Mí De, dân tộc Mông chia sẻ: “Hiện nay, để xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng các phẩm chất như Đại hội XIII của Đảng đề ra, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội là một việc làm khó mặc dù tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU và Chỉ thị số 09-CT/TU và một số văn bản khác về bảo tồn văn hóa các DTTS. Hiện tại, ngay như việc bài trừ hủ tục đang rất khó khăn, do đây là những phong tục, tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ, liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng... Mặc dù các nhà văn hóa, các nghệ nhân đã cùng nhau bàn bạc để tìm cách giảm bớt một phần nghi lễ trong tang ma, cưới hỏi... chúng tôi cũng tự vận động gia đình, dòng họ mình thực hiện theo. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều hiệu quả, tình trạng mê tín dị đoan vẫn xảy ra, tảo hôn tại các địa phương vẫn còn.
Thực tế triển khai tại huyện Quản Bạ là một địa phương đang làm tốt việc xây dựng văn hóa, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng thừa nhận vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng văn hóa như: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện, vẫn còn tư tưởng coi trọng phát triển kinh tế hơn văn hóa. Việc kiểm tra đôn đốc trong thực hiện xây dựng văn hóa con người Việt Nam chưa thường xuyên, liên tục. Tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội, những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc đang bị bào mòn, lãng quên; tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, thiếu lễ độ với người lớn, với thầy cô giáo; tình trạng bạo lực học đường, vi phạm Luật An toàn giao thông... vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, văn hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, xa còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong tổ chức cưới hỏi, ma chay tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số nơi xảy ra tình trạng tảo hôn; tổ chức ăn uống lãng phí trong đám cưới, tang.
Cần những giải pháp căn cơ
Học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên tỉnh múa truyền thống dân tộc Dao. |
Trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Hạng Mí De, là người địa phương, đã trải qua nhiều cương vị công tác từ huyện đến tỉnh, ông De hiểu rất rõ vấn đề xây dựng văn hóa trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Những kết quả như việc rút gọn thủ tục tang ma, ký cam kết phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... chỉ giúp giải quyết được phần ngọn của vấn đề, còn việc làm sao để thay đổi tư tưởng, tâm thức của người dân mới có thể giải quyết được phần gốc rễ của vấn đề. Làm thế nào để hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người ở vùng DTTS, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách. Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... đang còn cần các giải pháp căn cơ hơn nữa, tập trung nhiều sức lực và trí tuệ của những người trong cuộc.
Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Đỗ Văn Hùng cho biết: Xác định rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp, đoàn thể chính trị - xã hội, tầng lớp nhân dân trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; huyện đã quan tâm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và con người huyện Quản Bạ nói riêng gắn với thực hiện các nội dung chỉ thị, nghị quyết, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các kết luận, quy định Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chương trình hành động của địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong đó, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ trước thực trạng thông tin đa dạng, trái chiều, nhất là những thông tin sai lệch phát tán trên mạng xã hội để tạo sức lan tỏa và hiệu ứng đấu tranh mạnh mẽ trên không gian mạng. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hoá nhằm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa tạo sự phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu; có kế hoạch bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá. Quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là các chuẩn mực văn hóa, đạo đức nghề nghiệp như xây dựng bộ máy phục vụ nhân dân liêm chính, hành động; hình ảnh người cán bộ, đảng viên tận tụy, có trình độ năng lực, có đức, có tài, nghiêm túc thực hành công vụ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên nhất là vai trò của người đứng đầu...
Huy động sức dân để xây dựng, nâng cấp và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa của huyện phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch. Tăng cường quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện Quản Bạ với bạn bè, du khách trên thế giới. Quan tâm nâng cao đời sống văn hoá ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc