Dịch bệnh Bạch hầu vẫn đang trong tầm kiểm soát
BHG - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Bạch hầu tại 2 huyện Mèo Vạc và Yên Minh. Dù đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, song đến nay bệnh Bạch hầu tại 2 huyện trên vẫn diễn biến phức tạp, số ca bệnh có dấu hiệu tăng lên. Để ngăn chặn dịch, tỉnh Hà Giang đã làm gì để khống chế bệnh Bạch hầu? Phóng viên Báo Hà Giang điện tử đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hà Giang về vấn đề trên.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Thanh Hương trả lời phỏng vấn Báo Hà Giang điện tử |
PV: Hiện nay, bệnh Bạch hầu ở tỉnh ta diễn biến như thế nào? có nguy cơ bùng phát và lan rộng không, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hương: Tình hình bệnh Bạch hầu tại tỉnh Hà Giang vẫn đang trong tầm kiểm soát. Hiện tại chỉ có 2/11 huyện, thành phố là Yên Minh và Mèo Vạc với 7 ca đang ghi nhận dương tính với bệnh Bạch hầu; số xã có ghi nhận ca mắc là 4/193 xã. Tại các thôn có ca bệnh dương tính đã được cấp thuốc uống điều trị dự phòng, đến thời điểm hiện tại kết quả lấy mẫu xét nghiệm vẫn không phát hiện thêm ca Bạch hầu dương tính mới. Mặc dù không xuất hiện ca nhiễm mới, nhưng nguy cơ bệnh dịch có nguy cơ bùng phát, nguyên nhân đầu tiên là ý thức và sự tuân thủ trong điều trị, cách ly, uống thuốc dự phòng của một số bộ phận người dân. Thứ 2, mặc dù là bệnh có vắc xin phòng nhưng chúng ta phải tuân thủ tiêm chủng đúng lịch, đủ thời gian nhưng hầu như đồng bào không thực hiện được, sau khi đã hoàn thành lịch tiêm chủng khoảng 10 năm phải tiêm nhắc lại một lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn Bạch hầu… Thứ 3, chúng ta thiếu vắc xin để triển khai tiêm chống dịch cho toàn bộ nhân dân tại các vùng có dịch.
PV: Ngành Y tế đã vào cuộc như thế nào để ngăn chặn cũng như triển khai các biện pháp giảm sự lây lan dịch bệnh Bạch hầu?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hương: Ngày 24.8.2023, sau khi có kết quả dương tính với Bạch hầu, ngành Y tế đã cử đoàn công tác lên làm việc với bệnh viện, trung tâm y tế của 2 huyện Yên Minh, Mèo Vạc trong công tác điều trị, cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các trung tâm y tế huyện tăng cường công tác tuyên truyền, lập danh sách các ca bệnh nghi ngờ, triển khai cấp phát thuốc điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho đối tượng nghi ngờ, tiếp xúc gần. Cùng với đó tổng hợp các đối tượng theo cùng độ tuổi để khi có vắc xin triển khai tiêm ngay. Ngoài ra, ngành Y tế cũng ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trình UBND tỉnh ký; gửi công văn xin hỗ trợ từ Trung ương thuốc, vắc xin để triển khai tiêm chống dịch cho người dân. Ngành đã mở lớp tập huấn cho các cán bộ tuyến huyện về cách điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, điều trị bệnh Bạch hầu.
PV: Đồng chí cho biết nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh dịch bệnh Bạch hầu?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hương: Tác nhân gây ra bệnh Bạch hầu được xác định là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae trong họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn này tồn tại dưới 3 dạng: Gravis, Mitis và Intermedius. Tác nhân gây bệnh này tiết ra những độc tố gây tổn thương đến các tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Các ổ vi khuẩn này có thể tồn tại ở người mắc bệnh và cả người khỏe mạnh chứa vi khuẩn. Chúng vừa là ổ chứa vừa là nguồn gốc lây lan bệnh. Bệnh Bạch hầu lây qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người bằng đường hô hấp và gián tiếp từ vật dụng, đồ chơi có bám vi khuẩn từ người bệnh. Ngoài ra chúng có thể xâm nhập vào da con người gây ra tổn thương Bạch hầu trên da. Sau thời gian 2 tuần nhiễm bệnh, người bệnh có thể lây truyền cho người khác. Tốc độ lây lan của bệnh nếu không được ngăn chặn là rất nhanh.
Cách phòng bệnh: Bệnh nhân mắc Bạch hầu sẽ có triệu chứng diễn ra trong khoảng 2 - 5 ngày kể từ khi phơi nhiễm. Giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ có dấu hiệu đau họng, ho và sốt nhẹ kèm theo ớn lạnh. Những triệu chứng này sẽ ngày càng diễn biến nặng hơn nếu không điều trị kịp thời, bệnh nặng sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu và tử vong.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân những thông tin cần thiết về bệnh Bạch hầu, nhất là cho các bà mẹ, thầy, cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc-xin Bạch hầu đầy đủ. Đồng thời vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và đảm bảo có đủ ánh sáng. Đặc biệt lưu ý, tại nơi có ổ dịch Bạch hầu cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn Bạch hầu. Tổ chức tiêm phòng vắc xin Bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Xin cảm ơn đồng chí!
Thực hiện: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc