“4 cùng” xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc Mông nơi cực Bắc. Kỳ cuối: Cuộc sống mới trên bản Mông
Những người tiên phong xóa bỏ hủ tục
Bản tôi, ngày trước cứ có đám tang là mọi người trong thôn lại vui mừng, soạn quần áo đẹp vì sắp được ăn cỗ to; nhưng với những gia đình có đám thì đó lại là sự mất mát và cũng là nỗi lo. Lo tiền, vay ở đâu? Làm sao để có được đầu trâu, dê… cúng lễ. Bởi vậy sau mỗi đám tang với những hộ cận nghèo như gia đình tôi thì còn phải gánh theo một khoản nợ rất lớn, làm cái nghèo thêm đeo bám. Câu chuyện đó không chỉ của gia đình bác Vàng Mí Sình, thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông (Bắc Mê) mà đó còn là những hệ lụy của các hủ tục đã tồn tại từ lâu, làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại kinh tế cho người dân.
Người Mông thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc chú trọng việc học tập của con em mình. |
Nhận diện được những mặt trái hủ tục, những năm qua tỉnh Hà Giang đã đặc biệt chú trọng xây dựng nhiều giải pháp, qua đó tạo tiền đề, động lực để người dân vươn lên thoát nghèo. Là tấm gương đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của tỉnh, Bác Vàng Mí Sình chia sẻ: “Từ khi sinh ra, lớn lên chúng tôi đã trải qua nhiều đám tang trong gia đình , dòng họ; càng ngày tôi càng nhận ra và thấm thía những thiệt hại từ tập tục lâu đời đó. Bởi vậy, tôi đã vận động các gia đình trong dòng họ thay đổi nếp nghĩ; theo đó vào 11.2022, khi dòng họ Vàng có người mất, tôi với vai trò là trưởng họ đã họp và quyết định thực hiện theo nghi thức mới, đó là: Đám tang được tiến hành không quá 48 tiếng; người chết được đưa vào áo quan; tổ chức đám tiết kiệm, hạn chế giết mổ gia súc…Ngay khi đám tang được tổ chức xong, người dân nhận thấy việc tổ chức theo hình thức mới vừa đảm bảo sự tôn nghiêm với người mất, lưu giữ được bản sắc dân tộc, đồng thời giúp người dân không còn cảnh phải “trả nợ” sau khi tổ chức đám”.
Từ việc dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và có nhiều cách làm hay trong việc vận động nhân dân bài trừ, loại bỏ các tập quán lạc hậu. Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 27 của tỉnh, bác Vừ Mí Hờ, thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) vinh dự được nhận Bằng khen của BTV Tỉnh ủy về thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Bác chia sẻ: “Từ việc nhận diện hệ lụy của hủ tục, với cương vị và uy tín của bản thân, tôi đã vận động người dân trong thôn, dòng họ đưa người chết vào áo quan, không mổ nhiều gia súc và tổ chức đám tang dài ngày, đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh…”.
Làng Mông kiểu mẫu
Mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao của gia đình ông Vàng Văn Páo, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). |
Được mệnh danh là “Làng Mông kiểu mẫu” trên cực Bắc, người dân tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) được biết đến là làng Mông giàu nghị lực, bản lĩnh và tiên phong trong phát triển kinh tế. Chúng tôi đã đến thăm để khám phá bí quyết làm giàu và trải nghiệm cuộc sống tại mảnh đất của những “triệu phú” người Mông.
Anh Giàng Quáng Dìn, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Sơn chia sẻ: “Toàn thôn hiện có hơn 300 hộ với phần đa là đồng bào Mông sinh sống; trong đó hộ khá và giàu chiếm hơn 30% và trên 60% là hộ trung bình. Để có được sự phát triển kinh tế như hiện nay, tại thôn đã xây dựng các quy ước, hương ước trong việc xây dựng nếp sống văn minh. Qua đó, tạo tiền đề để người dân trong thôn tiếp thu và học hỏi cái mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ việc thoát ly được lối sống bó hẹp, tại thôn người dân đã xây dựng được những cách làm hay và chủ động hơn trong việc khẳng định bản thân…”.
Để trở thành làng Mông kiểu mẫu, thôn Vĩnh Sơn đã triển khai các nội dung, như: Thôn đưa ra quy ước với những quy định cụ thể tập trung phát huy quyền làm chủ người dân, phát triển kinh tế, văn hóa và con người mới; đặc biệt là nghiêm túc thực hiện các nghi lễ trong việc cưới, việc tang, giữ gìn đoàn kết văn hóa tôn giáo tín ngưỡng… Qua đó, thôn đã xây dựng các tuyến đường giao thông, chi bộ mẫu, có địa điểm xử lý rác thải, có nghĩa trang. Đồng thời, thôn thành lập Tổ hòa giải các vấn đề phát sinh trong nội bộ, tổ tự quản về an ninh, trật tự… Từ đó đời sống nhân dân được nâng lên.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế hộ, thôn Vĩnh Sơn còn được biết đến với những gia đình hiếu học. Bác Giàng Xuân Thào, chia sẻ: “Từ những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế, tôi nhận thấy để trở thành con người toàn diện và phát triển hơn nữa thì cần phải có kiến thức. Qua đó tôi thường xuyên vận động và cổ vũ con, cháu nỗ lực học tập, cụ thể thông qua việc hàng năm khen thưởng con, cháu khi có thành tích học tập cao; đồng thời định hướng, giúp đỡ và đồng hành với các cháu trên con đường học tập. Trên tinh thần đó, hiện nay các cháu trong nhà đều học hết lớp 12 và có mong muốn học chuyên nghiệp…”.
Trở thành cuộc vận động xã hội rộng lớn, sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt trong đời sống, việc thực hiện Nghị quyết 27 của BTV Tỉnh ủy đã góp phần đẩy lùi và ngăn chặn nhiều hủ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thuần phong, mỹ tục, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, gia đình với xã hội. Góp phần đáng kể vào việc giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, giảm dần tệ nạn, hủ tục, phát triển cơ sở hạ tầng và làm cho hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố vững chắc.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc