“Còn sức khỏe, còn lao động”
BHG - Mặc dù đã bước sang tuổi 77 nhưng sức khỏe của bà Mương Thị Lấu, dân tộc Tày, thôn Khuôn Làng, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) vẫn dẻo dai, nhanh nhẹn với đôi tay thoăn thoắt. Bà Lấu chia sẻ: “Còn sức khỏe, còn lao động. Cũng nhờ lao động tôi thấy sức khỏe tốt hơn và có thêm niềm vui trong cuộc sống khi nhìn thấy thành quả lao động”.
Giữa tháng 8, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Mương Thị Lấu đúng lúc bà đang làm cỏ vườn. Tiết trời cuối Hạ, đầu Thu đã bớt oi nóng nhưng trên khuôn mặt bà vẫn lăn dài những giọt mồ hôi. Chào chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, bà cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích hơn 6.000 m2 đất vườn của gia đình là vườn tạp, cỏ mọc hoang dại. Được sự tuyên truyền, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã, đặc biệt là phong trào Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, tôi đã bàn bạc, thống nhất với các thành viên trong gia đình quy hoạch, sắp xếp lại mảnh vườn đảm bảo khoa học, hợp lý hơn. Theo đó, tôi lựa chọn phát triển kinh tế theo mô hình vườn – ao – chuồng, tạo nên một hệ thống khép kín.
Bà Mương Thị Lấu kiểm tra sự phát triển của cây mít. |
Bà Lấu dẫn chúng tôi đến thăm khu vực trồng cây ăn quả. Nhìn vườn Đu đủ, ổi, cây nào cũng trĩu quả, dưới tán là những khóm cỏ vừa nhổ bỏ, phần nào có thể thấy được tính cần mẫn, chịu khó của bà. Tận dụng tối đa diện tích vườn, mới đây, bà trồng thêm gần 20 cây mít. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, những cây mít sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh hại. Để hạn chế cỏ dại mọc, dưới gốc mít bà trồng thêm Khoai lang.
Tiếp tục “mục sở thị” khu vực nuôi cá, với diện tích 600 m2, bà chia khu vực nuôi cá thành từng khu với chức năng riêng, gồm ao ươm cá giống và ao nuôi cá thương phẩm. Cách bố trí này cũng thuận lợi trong việc cung cấp nước tưới cho vườn cây ăn quả. Trên bờ ao, bà Lấu trồng thêm chanh Tứ mùa và chuối; 2 cây trồng này cũng đang cho thu hoạch. Riêng đối với cây chuối, từ phần thân, lá, bà Lấu sử dụng làm thức ăn cho gia cầm và cá.
Khu vực góc vườn, bà Lấu bố trí diện tích đất gần 150 m2 để xây dựng chuồng chăn nuôi lợn. Hiện, bà đang duy trì nuôi từ 7 – 10 con lợn đen. Đây là giống lợn bản địa, chất lượng thịt ngon, giá bán ổn định, sức đề kháng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đối với chất thải chăn nuôi, bà Lấu xử lý bằng cách thu gom, rắc vôi, ủ mục tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Bà Lấu cho biết: Mô hình vườn – ao – chuồng rất phù hợp với điều kiện thực tế ở nông thôn, vừa tiết tiệm chi phí đầu tư, vừa bảo vệ môi trường nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi thành phần trong mô hình đều có sự hỗ trợ phát triển lẫn nhau, thành phần này sẽ cung cấp một phần đầu vào cho thành phần kia. Mỗi lần ra vườn xem đàn cá, con lợn, cây ăn quả sinh trưởng, phát triển từng ngày; hay khi thương lái đến thu mua sản phẩm và nhận được đồng tiền từ mồ hôi, công sức của mình, tôi rất phấn khởi, thấy mình như được khỏe hơn. Từ trồng trọt, chăn nuôi, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi nguồn thu gần 100 triệu đồng.
Theo lãnh đạo xã Tùng Bá: Mặc dù tuổi cao nhưng bà Lấu vẫn tích cực phát triển kinh tế; gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để con cháu noi theo. Ngoài ra, bà còn hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Người cao tuổi, thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với các hội viên trong phát triển kinh tế và đời sống hàng ngày; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào “Tuổi cao – gương sáng” trên địa bàn.
Rời Tùng Bá, hình ảnh bà Lấu – một người cao tuổi vui tính, dễ gần, cần mẫn lao động để lại trong chúng tôi sự cảm phục và ấn tượng tốt đẹp.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc