Tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa nắng nóng
BHG - Nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), phòng ngừa hạn chế tối đa các vụ tai nạn, sự cố cháy, nổ trong mùa nắng nóng, các cấp, ngành chức năng đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của mỗi cán bộ cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân.
Diễn tập chữa cháy tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang. |
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 4,9 tỷ đồng (giảm trên 9,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó còn xảy ra 16 vụ sự cố cháy nhỏ như sự cố hệ thống, thiết bị điện trong nhà, cột điện, cháy rác, cỏ, phế liệu... (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Công tác hướng dẫn về PCCC được tăng cường thường xuyên hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Qua thực tế, đa phần các vụ cháy, nổ xảy ra nguyên nhân thường do sự cố về hệ thống, thiết bị điện và sự sơ suất, bất cẩn của người dân trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phát sinh cháy. Trong mùa hanh khô nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao, đặc biệt với các thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao, việc sử dụng các thiết bị, dây dẫn điện kém chất lượng có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện, phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt gây ra cháy nổ. Để đạt được hiệu quả công tác PCCC thì lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy, chủ động trang bị một số phương tiện chữa cháy tại chỗ. Khi xảy ra cháy nổ cần bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, báo cháy ngay cho mọi người xung quanh biết phối hợp tổ chức chữa cháy, kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, Ban chỉ đạo PCCC & CNCH tỉnh đã chỉ đạo các thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về công tác PCCC & CNCH đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng tin, bài, phóng sự về công tác PCCC & CNCH trên các phương tiện truyền thông, trên sóng truyền hình và sóng phát thanh của tỉnh, huyện, thành phố; nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC & CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Cùng với đó, đổi mới tư duy, nhận thức, giải pháp, cách làm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC & CNCH.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh chia sẻ: Cùng với việc tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC &CNCH trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã tổ chức kiểm tra định kỳ an toàn PCCC 3.054 lượt cơ sở; phát hiện, lập 37 biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 22 triệu đồng; tạm đình chỉ 1 cơ sở vi phạm các quy định về PCCC & CNCH; xây dựng 30 phương án chữa cháy; 37 phương án CNCH; phối hợp thực tập 20 phương án chữa cháy và CNCH, huy động đông đảo lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở tham gia, nội dung phương án đảm bảo phù hợp, sát với tình tình thực tế của cơ sở, địa bàn.
Nắng nóng làm tăng nguy cơ dẫn đến các vụ cháy, nổ, vì vậy cần tăng cường hơn nữa công tác PCCC & CNCH trong từng lĩnh vực, từng ngành, nghề và trên từng địa bàn. Người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa hỏa hoạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và cộng đồng, bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ.
Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh
Ý kiến bạn đọc