Tổ giám sát cộng đồng xóa bỏ hủ tục
BHG - Với cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, chặt chẽ ngay từ cơ sở, kể từ khi được thành lập đến nay, những Tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ dân phố đã trở thành tai, mắt không thể thiếu, giúp cho cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quang Bình thực hiện hiệu quả cuộc vận động xóa bỏ hủ tục, xây dựng con người mới, nếp sống văn minh.
Các gia đình trong dòng họ Lý, thôn Kem, xã Tiên Yên (Quang Bình) ký cam kết xóa bỏ hủ tục. |
Nhiều năm gắn bó với công việc của thôn, anh Hoàng Văn Đều, Bí thư Chi bộ thôn Kem, xã Tiên Yên luôn đặt lợi ích của tập thể, người dân lên trên hết. Nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của anh, bất cứ việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được. Thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc, với trách nhiệm của một người Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ giám sát cộng đồng của thôn, anh đã cùng với những người có uy tín, già làng, trưởng thôn, đảng viên tuyên truyền, vận động từng gia đình, dòng họ gương mẫu, đi đầu xóa bỏ hủ tục trong đời sống. Đến nay, có 7 - 8 dòng họ chính trong thôn ký cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không thách cưới cao; không tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, không ăn uống linh đình.
Ông Lý Văn Tiệp, Trưởng dòng họ Lý, thôn Kem cho biết: “Dòng họ Lý, dân tộc Tày trong thôn có 28 hộ với 145 khẩu. Những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống của các gia đình trong dòng họ từng ngày cải thiện, nhân dân tự nguyện hiến đất, góp sức xây dựng Nông thôn mới và tham gia các phong trào của thôn. Tăng cường và tiếp thu Nghị quyết số 27, dòng họ Lý là dòng họ đầu tiên ra mắt mô hình bài trừ hủ tục. Các hộ đồng tình, nhất trí ký vào bản cam kết thực hiện không vi phạm tệ nạn xã hội; các sính lễ trong đám cưới tổ chức đơn giản hơn; đám tang giảm từ 48 giờ xuống 36 giờ và giảm số lượng vòng hoa”. Với kinh nghiệm dày dặn của lớp người đi trước, ông Tiệp cho rằng việc xóa bỏ những hủ tục nhân lên các giá trị văn hóa tốt đẹp, lan tỏa tinh thần tích cực của các cá nhân, gia đình, dòng họ, tạo điều kiện phát triển KT - XH của địa phương”.
Là thành viên trong dòng họ, chị Lý Thị Quần bày tỏ: “Đi cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội ngày càng đi lên nhưng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, có những hủ tục lạc hậu vẫn lặng lẽ tồn tại, hằn sâu trong tư tưởng người dân. Chính vì vậy, khi được xã, thôn, dòng họ tuyên truyền các nội dung xóa bỏ hủ tục lạc hậu, gia đình tôi thực hiện ngay. Vào những dịp đầu năm, dòng họ Lý hay tổ chức gặp mặt biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu và kiểm điểm những điều chưa làm được. Đây là cách làm thiết thực để khích lệ, động viên các gia đình trong dòng họ cố gắng, phấn đấu thực hiện quy ước, hương ước của bản làng, vì đời sống văn minh, tiến bộ”.
Cùng với hoạt động của Ban vận động cấp xã, thị trấn, 115/135 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Quang Bình có Tổ giám sát cộng đồng xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Theo phương châm gần dân, sát địa bàn cơ sở, dù không có kinh phí hỗ trợ nhưng đội ngũ này là lực lượng tuyến đầu, cánh tay nối dài của Đảng trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát nhân dân thực hiện xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 27, toàn huyện có 40 mô hình của các cấp hội, đoàn thể, xã, thị trấn; trên 90% số hộ dân và 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ký cam kết cá nhân xóa bỏ hủ tục. Với bài học dựa vào dân, đặc biệt là những người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, mỗi dân tộc Tày, Dao, Pà Thẻn, Mông, La Chí, Phù Lá… tuy đều có nguồn gốc, phong tục, bản sắc văn hóa đặc trưng khác nhau song đều đang nỗ lực từng ngày loại bỏ những hủ tục không còn phù hợp, hòa mình vào nhịp sống hiện đại, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Quang Bình giàu đẹp, ấm no.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc