Chú trọng công tác thực tập và rèn luyện nghiệp vụ cho giáo viên mầm non
BHG - Xác định vai trò quan trọng của công tác thực hành, thực tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên mầm non, nhiều năm nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang (nay là Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang) đã thực hiện liên kết với một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh để triển khai công tác này nhằm phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên.
Sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang sáng tạo mô hình phiên chợ vùng cao. |
Thực tập sư phạm là quá trình sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với thực tế sinh động của nghề nghiệp, giúp các em củng cố, mở rộng những tri thức, kỹ năng nghề nghiệp đã được tích lũy; hình thành và phát triển những tri thức, kỹ năng mới theo yêu cầu của trường phổ thông; nâng cao hứng thú, tình cảm, trách nhiệm đối với nghề. Đây là giai đoạn quan trọng nhất giúp sinh viên có thể lĩnh hội, học hỏi kỹ năng đứng lớp, kinh nghiệm xử lý tình huống từ chính các giáo viên. Đồng thời được coi là điểm xuất phát hình thành nhân cách giáo viên, là một công việc mang tính tích hợp rất cao những kiến thức sư phạm và sự trải nghiệm nghề nghiệp của người giáo viên tương lai. Để hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thực sự mang lại hiệu quả, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang đã xây dựng kế hoạch hoạt động thực hành, thực tập và rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên phù hợp với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt như: Mô hình “Đào tạo nghề - học việc”, mô hình “Đối tác”. Qua đó, sinh viên có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm làm việc với người thật, việc thật; tiếp cận được phương pháp làm việc hiệu quả, điều chỉnh thái độ, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng trình bày trước đám đông; biết lập kế hoạch chuyên môn...
Những năm gần đây, nhà trường liên hệ cho sinh viên đến các cơ sở thực hành, thực tập chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố như: Trường Mầm non Hoa Sen, Hoa Hồng, Hoa Mai, Sao Mai, Họa Mi ... Vào đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch thực tập, dự kiến số lượng đoàn, lựa chọn cơ sở thực tập phù hợp, cử giảng viên làm trưởng đoàn. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục thành phố triển khai công tác thực hành, thực tập. Phối hợp với các trường mầm non phân công giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng hướng dẫn cho giáo sinh trong giảng dạy và chăm sóc trẻ. Thường xuyên giám sát, kiểm tra quá trình sinh viên thực hành, thực tập; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thực tập để lấy ý kiến phản hồi thiết thực từ cơ sở, từ đó giúp nhà trường điều chỉnh nội dung, phương pháp phù hợp, đáp ứng tốt mục tiêu đào tạo. Nhờ sự phối hợp khoa học, tâm huyết giữa các cơ quan quản lý giáo dục, giữa Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang với các trường mầm non trong chỉ đạo hoạt động tổ chức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nên sinh viên đã đạt được những thành tích nhất định. Các em nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần học hỏi kinh nghiệm; vun đắp thêm tình yêu đối với công việc; phát triển nhiều kỹ năng thực hành nghề nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đối với các trường mầm non, khi sinh viên đến thực hành, thực tập, ngoài công việc chuyên môn các em còn được tham gia rất nhiều phong trào, hoạt động trong các dịp lễ hội, dã ngoại, kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Đây là cơ hội để các em nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng ứng xử với các tình huống sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời hình thành lòng yêu nghề, mến trẻ, hoàn thiện nhân cách của một giáo viên trong tương lai.
Trong quá trình phối hợp công tác thực hành, thực tập sư phạm với các trường mầm non, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang thường xuyên cải tiến nội dung và hình thức thực tập phù hợp với khả năng sinh viên và thực tiễn địa phương; hàng năm tổng kết, đánh giá, xếp loại công tác hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm của các trường mầm non… Từ đó bổ sung kiến thức, phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Bài, ảnh: Bùi Thị Toàn (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc